Dòng sự kiện:
Người hâm mộ Việt Nam nguy cơ không được xem World Cup 2022
28/07/2022 10:51:13
Đại lý sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 đã đưa ra giá quá cao, trong khi các đơn vị truyền thông tại Việt Nam cùng thống nhất không mua bằng mọi giá để tránh sự thua thiệt về phía mình.

Mới đây, đại lý sở hữu bản quyền truyền thông World Cup 2022 của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã qua Việt Nam làm việc với một số đơn vị truyền thông trong nước. Đại lý này đã chào hàng ở thị trường Việt Nam với giá sốc tới 15 triệu USD, tức là hơn 350 tỷ đồng.

Trong trường hợp chấp nhận bỏ ra 15 triệu USD mua bản quyền truyền thông World Cup 2022, thì đơn vị truyền thông sẽ nhận các quyền lợi như độc quyền truyền hình ở các nền tảng: mặt đất, cáp, vệ tinh, IVTV và không độc quyền phát thanh trên lãnh thổ Việt Nam. Quyền truyền phát trên di động và Internet cũng độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam.

Phía Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) yêu cầu các đài phải phát trên kênh quảng bá một số trận đấu nhất định, như trận khai mạc, bế mạc, đạt tối thiếu bảo nhiêu phần trăm dân số của mỗi quốc gia đã mua bản quyền truyền thông. Tất cả các điều khoản nói trên đều được đưa vào hợp đồng.

Hiện tại có không ít đơn vị truyền thông do tiềm lực không còn dồi dào nên không mặn mà với bản quyền truyền thông World Cup 2022. Trong khi đó một số đơn vị đã thảo luận đi đến quyết định chung vốn mua bản quyền truyền thông ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, diễn ra tại Qatar vào cuối năm nay.

Phía đối tác sở hữu bản quyền truyền thông "hét giá" 15 triệu USD đối với thị trường Việt Nam

Đơn vị hợp tác giữa các bên sẽ cùng khai thác thương mại, quyền lợi mỗi bên tùy thuộc vào số tiền mà đơn vị đó bỏ ra. Đơn vị nào bỏ nhiều tiền hơn sẽ được nhiều quyền lợi hơn và ngược lại. Tuy nhiên, dù số tiền mỗi đơn vị là bao nhiêu đi chăng nữa thì chủ trương chung được các bên thống nhất là không mua với giá như đối tác phân phối bản quyền truyền thông World Cup 2022 tuyên bố.

Hiện tại, việc đàm phán đang được tiến hành, và theo tiết lộ cách thức sẽ giống như các nước trên thế giới đã làm. Ví dụ như tại World Cup 2018, hai đài truyền hình của Thái Lan là True Vision và Amarin TV là đồng sở hữu bản quyền phát sóng tại Thái Lan. Tại Singapore 3 tập đoàn truyền thông gồm Singtel, StarHub, Mediacorp chung tay mua bản quyền phát sóng World Cup 2018, thay vì lao vào cuộc đua độc quyền như trước.

Việt Nam hiện tại đang áp dụng cách thức này vì nếu chạy theo hướng độc quyền thì gần như nắm chắc phần thất bại.

Một thành viên tham gia đàm phán mua bản quyền truyền thông Wolrd Cup 2022 chia sẻ: “Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì đàm phán với đối tác trên tinh thần quyết tâm cao, nhằm phục vụ cho khán giả trong nước. Tuy nhiên sẽ không mua bằng mọi giá. Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi sẽ vẫn nỗ lực để phục vụ người hâm mộ, với điều kiện đại lý của FIFA phải giảm giá ở mức giá mà Việt Nam chấp nhận được. Còn nếu giá cả được giữ nguyên như lúc họ phát ra thì các bên khó có thể tiếp tục thương thảo”.

Còn nhớ tại World Cup 2018, phải đến vài ngày trước khi khai mạc thì VTV mới công trở thành đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng giải đấu này. Nguyên nhân là bởi phía đối tác phân phối đã hét giá quá cao, nên quá trình thương thảo diễn ra khó khăn, và sau cùng khi có hai doanh nghiệp lớn hỗ trợ thì VTV mới có được bản quyền truyền hình ngày hội bóng đá thế giới diễn ra tại Nga.

Phan Huy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến