Dòng sự kiện:
Người lao động 1 năm đi làm vẫn chưa mua nổi mét đất dù giá đã giảm
26/10/2022 16:33:27
Giá bất động sản quý 3 chứng kiến có sự giảm sút, tuy nhiên vẫn vượt xa so với thu nhập bình quân của người lao động.

Giá bất động sản "cắt lãi" chưa trở về giá trị thực

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VARS), 9 tháng qua, thị trường bất động sản có phần trầm lắng. Cụ thể, tổng cung trên toàn thị trường đạt 41.886 sản phẩm, tương đương 77,9% so với 2021 và chỉ bằng 24% so với 2018.

Đất tách thửa Quốc Oai, Hà Nội

Tỷ lệ hấp thụ giảm, chỉ đạt 43%. Tính riêng quý 3, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với 2 quý trước.

VARS nhận định, nguyên nhân sụt giảm trên là do ít sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng có nhu cầu ở thực, các phân khúc tầm trung. Đồng thời, nhu cầu mua để đầu tư thời gian qua dè dặt hơn. Kéo theo giá nhà đất đang có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận chủ đầu tư nhiều dự án đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất ngân hàng, giãn lịch thanh toán và ân hạn nợ gốc, cam kết mua lại, hay lợi nhuận, tiền thuê trong thời gian đầu... để kích cầu.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV cho thấy, giá bất động sản giảm không đáng kể, vượt xa thu nhập của người dân.

Đơn cử như tại Bắc Giang, nhiều sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn giới thiệu, giá cục bộ giảm từ 10-15%, nhưng quanh khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên vẫn dao động từ 24 - 36 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Một số lô 2 mặt tiền có giá trên 40 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, khu vực từ vành đai 3.5 trở vào nội đô thì đã hai năm nay đều đã tăng giá, từ 100 triệu đồng/m2 trở lên. Những khu ngoại thành Thạch Thất, Sơn Tây, đất chuyển đổi phân lô trong làng xã, giá có giảm 500 nghìn - 1 triệu/m2, nhưng vẫn từ 17 - 24 triệu đồng/m2.

Anh Tô Hoài Nam, môi giới văn phòng bất động sản Ven Đô Land chia sẻ, giá đất hiện nay cao 2-3 lần so với năm trước. Việc giảm hiện tại chỉ là "cắt lãi" chút đỉnh, chưa phải giá trị thực.

1 năm đi làm chưa mua nổi mét đất

Trong khi đó, báo cáo quý 3 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân người lao động đã tăng lên 143 nghìn đồng so với quý 2 nhưng chỉ dừng lại ở mức 6,7 triệu/tháng, tương ứng 84 triệu/năm.

Công lao động 1 năm, không phải chi ra cho sinh hoạt chưa mua nổi 1 mét đất nội đô và các quận huyện đang nằm trong diện lên quận. May ra chỉ mua được 2 mét chung cư các quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Nhưng thực tế, khoản thu nhập này còn phải chia ra vô vàn các khoản sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, thuê nhà, con cái học hành...Do đó, giá nhà đã giảm nhưng vẫn ngoài tầm với của những người lao động có nhu cầu ở thực.

Trước thực trạng trên, chuyên gia bất động sản cho rằng, để giảm giá nhà, nhà nước vẫn cần có cơ chế hạn chế việc đầu cơ, trữ đất.

Có cơ chế thúc đẩy tăng nguồn cung các phân khúc nhà ở trung cấp, phù hợp với đại đa số người lao động. Phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội phù hợp với từng đối tượng thu nhập như công nhân, lao động phổ thông.

Cân đối dòng vốn vào bất động sản, hạn chế với những phân khúc dư thừa không đáp ứng đại đa số người lao động. Tập trung nới room cho phân khúc và nhu cầu vốn vay của người ở thực.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất một số giải pháp tiếp tục hỗ trợ giảm giá thành nhà ở xã hội, nhà ở công nhân như:

Yêu cầu dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân khi phê duyệt phải có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu (giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa);

Căn cứ điều kiện thực tiễn, đặc thù riêng của các địa phương, ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với nhà ở xã hội, nhà công nhân; áp dụng các công nghệ mới trong đầu tư xây dựng nhà xã hội đáp ứng mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian thi công...

Tác giả: PV

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến