Dòng sự kiện:
Người Thái ở miền Tây Nghệ An đón Tết Độc lập thế nào?
02/09/2017 15:45:19
Với đồng bào Thái ở xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), ngày Tết Độc lập từ lâu đã là một ngày lễ quan trọng, trở thành một nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.

Ngày Quốc Khánh 2/9, đồng bào Thái của bản Nật Trên, Nật Dưới, bản Ná Ba, xã Châu Hoàn dậy từ rất sớm. Ngày đó, không có ai lên rẫy, mọi người tụ tập dưới những cây thị cổ thụ để nghe các cụ ông, cụ bà kể lại những ngày tháng lịch sử của đất nước, của bản làng, quê hương…

Đến 7h sáng 2/9, mọi người trong bản từ già đến trẻ đều tập trung về nhà cộng đồng bản nghe già làng, bí thư chi bộ, trưởng bản thông báo về tình hình phát triển của địa phương, trao nhau những lời chúc tốt lành, sau đó tổ chức ăn mừng.

Chuẩn bị váy áo xúng xính đi dự hội

Lễ mừng thường bắt đầu từ tối 1/9, kéo dài đến trưa 2/9 và được tổ chức tùy điều kiện kinh tế từng gia đình. Bữa ăn ngày Tết còn có các tiết mục văn nghệ như hát suối, hát giao duyên... hay các trò chơi truyền thống như ném còn, đi cà kheo, nhảy sạp… Bà con động viên bảo ban nhau học cách làm ăn mới; căn dặn con cái cố gắng học hành.

Ông Vi Văn Mai, trú tại bản Nật Dưới, xã Châu Hoàn cho hay: “Trước kia, bà con bản mình khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo đói quanh năm, phương tiện đi lại không có, bản cũng không có điện. Bây giờ thì khác rồi, trong bản hầu như nhà nào cũng có cái ăn, cái mặc, được xem ti vi, trẻ em đã được đến trường. Có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ nhiều lắm. Từ ngày đất nước độc lập đến nay, năm nào bà con cũng ăn Tết rất vui".

Múa sạp tại bản

Trò chơi ném còn

Chị Lý Thị Hợi, trú cùng bản Na Dưới chia sẻ: "Ngày 2/9 là ngày Tết Độc lập của đất nước ta. Đồng bào Thái ở bản tôi năm nào đến ngày này cũng tổ chức ăn mừng. Trước kia tôi chỉ thấy có Ngày hội văn hóa dân tộc Thái, bây giờ huyện đã tổ chức một ngày hội lớn cho tất cả các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ nay chúng tôi đã có một sân chơi chung, cùng nhau giao lưu, học hỏi, hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em”.

Từ khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” đồng bào Thái Quỳ Châu ăn Tết Độc lập tiết kiệm, gọn nhẹ hơn. Trong ngày Tết mọi người khuyên nhau không được uống rượu say, đặc biệt là khi đi xe máy không được uống rượu; không được ăn uống linh đình, lãng phí và kéo dài 3, 4 ngày như trước. Ăn Tết Độc lập xong phải bắt tay ngay vào việc sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi...

Múa xòe với lá cọ

Ông Lý Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Châu Hoàn cho biết, ngày Tết Độc lập thực sự có ý nghĩa đối với đồng bào Thái ở Châu Hoàn, giúp cho thế hệ trẻ nhớ lại ngày Độc lập của dân tộc Việt Nam. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc tổ chức ngày lễ, tết tại địa phương theo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Việc đón Tết Độc lập của đồng bào dân tộc Thái Quỳ Châu đã trở thành một nét văn hóa độc đáo. Trải qua thời gian lịch sử, ngày Tết Độc lập đã góp phần bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Quan trọng và ý nghĩa hơn cả, đây cũng là cách mà người Thái dạy cho con cháu mình nhớ về ngày trọng đại của cả nước, nhớ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, nhớ về ngày mà tất cả các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam cùng hướng về Tổ quốc thân yêu.

Tiến Thành – Kế Kiên

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến