Dòng sự kiện:
Người trúng 233 lô đất ở Thái Bình: 'Tôi giống Đường nhuệ?'
07/07/2020 16:16:54
Sau khi ông Trung trúng đấu giá 233 lô đất, nhiều người nói rằng ông giống Đường nhuệ khi dùng quan hệ thâu tóm đất đai ở Thái Bình.

Ngày 6/7/2020, ông Nguyễn Huy Trung - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Kinh doanh Kiến Hưng (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình) xác nhận với Đất Việt, ông chính là người trúng đấu giá 233 lô đất ở dự án KDC Đông Lâm (huyện Tiền Hải, Thái Bình) do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải tổ chức đấu giá vào tháng 6/2020.

Ông Trung cho biết, mặc dù ông là chủ một doanh nghiệp nhưng lại tham gia đấu giá đất hoàn toàn với tư cách cá nhân.

"Thời điểm đó có 6 người, đơn vị tham gia đấu giá. Phía đơn vị tổ chức đưa ra mức giá khởi điểm 121 tỷ cho 233 lô đất, tôi đã tính toán và trả mức giá cao nhất trong cuộc đấu giá khi đưa ra con số 152 tỷ đồng" - ông Trung bày tỏ.

Theo ông Trung, mặc dù cá nhân ông là người đứng ra tham gia buổi đấu giá nhưng thực chất số tiền 152 tỷ đồng là do một số người khác góp vào cùng đầu tư chứ một mình ông thì không đủ khả năng để tham gia đấu giá với số tiền lớn như thế.

Mặc dù vậy, ông Trung khẳng định không có bất kỳ mối "quan hệ" nào với cơ quan chức năng huyện Tiền Hải hay không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ của cá nhân, tổ chức, đơn vị này để trúng 233 lô đất trong phiên đấu giá này.

KDC Đông Lâm được cơ quan chức năng huyện Tiền Hải - Thái Bình làm xong hạ tầng mới tổ chức đấu giá gộp 233 lô đất

"Chuyện tôi trúng đấu giá toàn bộ lô đất ở KDC Đông Lâm là do tôi bỏ giá cao nhất, tham gia đấu giá đúng quy định. Trước khi đấu giá, tôi đã phải nộp tiền cọc hơn 24 tỷ.

Đến thời điểm này tôi đã nộp vào cho đơn vị tổ chức đấu giá hơn 130 tỷ mới tiến hành rao bán các suất đất nền ở đây.

Sau khi trung đấu giá, có người bảo tôi giống Đường nhuệ (Nguyễn Xuân Đường - đối tượng đang bị Công an tỉnh Thái Bình tạm giam để điều tra về nhiều hành vi phạm tôi, trong đó có hành vi thao túng nhiều cuộc đấu giá đất).

Nhưng thực sự không phải vậy, tôi trúng đấu giá đất bằng sự công khai, minh bạch và đúng pháp luật" - ông Trung khẳng định.

Trước khi quyết định đấu giá các lô đất ở xã Đông Lâm, ông Lâm cùng đối tác đã tính toán rất kỹ, nhận thấy có lời mới quyết định tham gia đấu giá và bỏ giá mức cao nhất. Tuy nhiên, khi thực hiện bán đất nền ông mới nhận ra việc bán đất nền tại dự án này không hề dễ.

Ông Trung nói rằng: "Trong lần đầu tư này, tôi chấp nhận thua cuộc bởi sự thật nhu cầu mua đất của người dân không lớn đến thế.

Có thông tin tôi bán đất nền tại KDC Đông Lâm với giá 12 triệu/m2 nhưng giờ mà có ai bỏ ra nửa giá đó thì sẵn sàng bán ngay, kể cả đó là lô đất có vị trí đẹp nhất trong dự án.

Sự thật là trong quãng thời gian qua, tôi đưa ra mức giá chỉ 4,5 triệu đồng/m2 - tương đương với giá đã trả cho dự án nhưng vẫn không ai mua".

Trước vấn đề cơ quan chức năng huyện Tiền Hải đưa ra quy định đấu giá gộp 233 lô đất để cho 1 cá nhân, đơn vị có thể sở hữu toàn bộ mà không đấu giá đơn lẻ, ông Trung cũng không lý giải được vì sao phía cơ quan chức năng lại đưa ra chủ trương đó nhưng đã là quy định nên người tham gia đấu giá phải chấp nhận và thực hiện theo.

"Việc đấu giá gộp như thế đúng là sẽ rất khó cho một người có nhu cầu ở thực sự tại KDC Đông Lâm có thể mua được mà chỉ có những nhà đầu tư lớn mới dám bỏ ra số tiền này. Nhưng đó là quy định của cơ quan chức năng thì với người tham gia đấu giá như chúng tôi phải chấp hành" - ông Trung cho biết.

Liên quan đến việc tổ chức đấu giá gộp tại KDC Đông Lâm, LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Luật Đấu thầu không cấm đấu giá trọn gói hay đấu giá lẻ, việc lựa chọn hình thức đấu giá nào do bên tổ chức đấu giá (UBND địa phương hoặc Trung tâm quỹ đất đứng ra) xác định dựa trên nhu cầu của mình, miễn là không trái luật.

Tuy nhiên, ông Tám cho rằng, việc đấu giá gộp chủ yếu được thực hiện ở những dự án đất thô, giải phóng xong để bên trúng đấu giá xây dựng quy hoạch 1/500, làm cơ sở hạ tầng. Còn tại KDC Đông Lâm thì ngược lại, cơ quan chức năng đã làm xong hạ tầng mới tổ chức đấu giá gộp.

"Ở đây có lẽ có sự thay đổi kế hoạch nào đó, còn thông thường chính quyền đã bỏ tiền làm hạ tầng thì rất ít khi đem đấu giá như vậy.

Dù đấu giá không sai luật khi thấy những dấu hiệu bất thường trong vụ việc trên như: giá trúng đấu giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường; người trúng đấu giá ngay sau đó nhận đặt cọc mua bán, giữ chỗ đối với các lô đất trên khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... như báo chí phản ánh thì phải xem xét, điều tra xem có lợi ích nhóm, đấu giá theo kiểu có "chân gỗ" để thông đồng nhau, ghìm giá thấp xuống, làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước hay không?

Nếu có thì phải xử lý trách nhiệm, thậm chí xử lý hình sự các hành vi này", Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân tích.

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Bùi Đức Phàn - Phó Giám đốc Trung phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải - đơn vị tổ chức đấu giá 233 lô đất tại KDC Đông Lâm cho hay:

“Nếu đấu lẻ sẽ không bao giờ đấu hết được. Vì người dân chỉ muốn mua những lô ngoài mặt đường, còn phía trong thì không ai mua.

Vì thế phải đưa ra phương án đấu giá trọn gọn để thu hồi nhanh ngân sách. Trung tâm phát triển quỹ đất và công ty đấu giá đã thực hiện đầy đủ quy trình đấu giá, thông tin công khai minh bạch trên đài phát thanh”.

Ông Phàn khẳng định, việc cá nhân trúng đấu giá tại KDC xã Đông Lâm đang tổ chức rao bán, nhận cọc các lô đất nền tại dự án là không đúng quy định pháp luật, bởi người trúng đấu giá chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, cũng như chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì không được mua bán.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến