Dòng sự kiện:
Người Việt và thói 'trưởng giả học làm sang'
15/10/2014 15:10:55
ANTT.VN - Kinh tế khó khăn, nợ xấu, thất nghiệp… là những cụm từ quen thuộc mà mỗi người dân vẫn than thở, trách kêu và ngày qua ngày thì những dòng chữ ấy cũng lại đều đặn dày thêm trên mỗi trang báo, điểm tin.

Tuy nhiên, những thách thức nan giải bậc nhất ấy của nền kinh tế hình như vẫn “chả ăn khớp” nếu đứng cạnh những con số thống kê mới được công bố  khi mà theo Bộ Công thương, trong 8 tháng đầu năm 2014, người Việt đã chi ra tổng cộng 3,77 tỷ USD để mua những mặt hàng thuộc nhóm cần hạn chế nhập khẩu (bao gồm hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng trong nước đã sản xuất được…), tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, như mặt hàng ô tô con nguyên chiếc, tính chung trong 8 tháng, để đổi lại việc nhập khẩu 3,7 vạn chiếc xe,  Việt Nam đã phải chấp nhận “móc túi” số ngoại tệ trị giá 800 triệu USD, tăng 71,6% về lượng và 90,7% về giá trị so với cùng thời điểm năm 2013.

Và đầu năm nay, một công ty nghiên cứu thị trường cũng đã đưa một con số thống kê đáng “giật mình” cho thấy người Việt “rút ví” tới 1 tỷ USD mỗi năm để đầu tư cho “nhu cầu trải nghiệm”  Smartphone.

Phải chăng nợ xấu tăng cao, tăng trưởng kinh tế thấp, thiếu việc làm… chẳng mảy may ảnh hưởng gì tới túi tiền của bà con?!

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Không, tuyệt đối không!

Hết thảy mọi người dân đều cảm nhận rõ nét nhất, chân thực nhất tác động tiêu cực của tình trạng “đóng băng tín dụng”, “sản xuất cầm chừng” hay con số 4,8 vạn doanh nghiệp phá sản tới từng bữa cơm, từng hoá đơn và từng kế hoạch chi tiêu của chính mình. Thời buổi người khôn của khó, có được việc làm không dễ, cân đối từng đồng lương ít ỏi đảm bảo nhu cầu cho cá nhân, cho gia đình cũng là chuyện chẳng hề giản đơn.

Thế nhưng tại sao trong khi có những bà mẹ phải đắn đo trăn trở, kì kèo mặc cả tới từng củ hành, bơ gạo thì cả nền kinh tế vẫn sẵn sàng “bấm bụng” chấp nhập bỏ ra cả tỷ đô la dành mua những mặt hàng cao cấp?

1 tỷ USD cho nhu cầu điện thoại thông minh của cả một đất nước 90 triệu dân nhìn qua có vẻ cũng chưa có gì là quá lớn nếu so với con số 173 tỷ USD GDP (năm 2013) hay càng nhỏ bé nếu nhìn qua bên kia bờ Thái Bình Dương, người Mỹ thậm chí còn “chi đậm” tới 10,7 tỷ USD chỉ cho riêng việc “sửa” điện thoại dòng máy Iphone.

Tuy nhiên, xét kỹ hơn mới thấy dân ta quả thực rất “chịu chơi”! Bởi lẽ, xét dòng máy cao cấp mà khá nhiều người dùng hiện nay là Iphone 5S có giá bán ra trung bình ở thị trường Việt Nam dao động quanh mức 700 USD cho một sản phẩm. Với mức giá này, tính ra để sở hữu một chiếc Iphone 5S mỗi người Mỹ chỉ phải bỏ ra chưa đến 1,5 % thu nhập (GDP đầu người tại Mỹ năm 2013 là 47.084 USD), hay nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, một đất nước nổi tiếng về tiêu dùng hàng xa xỉ thì con số trung bình một người dân nước này bỏ ra cho một chiếc Iphone 5S cũng chỉ suýt soát 10% thu nhập. Còn ở Việt Nam ta, một quốc gia vừa mới thoát khỏi nhóm nước có mức thu nhập thấp, chớm đặt chân sang nhóm nước có thu nhập trung bình thì với GDP bình quân đầu người chưa tới 2000 USD/người/năm thì việc bỏ ra 700 USD cho chiếc điện thoại thời thượng kia cũng đồng nghĩa với việc “cắt gọn” hơn 1/3 thu nhập. Và cũng nên nhớ rằng, trong 173 tỷ USD GDP trong năm 2013 con số đầu tư nước ngoài đóng góp  một phần không nhỏ.

Sử dụng điện thoại thông minh, đi xe sang, sài đồ hiệu trong một thế giới toàn cầu hoá hoàn toàn không có gì đáng phải bàn cãi, ngược lại nó còn là một minh chứng phản ánh khách quan tính phát triển của xã hội, của nền kinh tế. Nhưng việc bằng mọi giá sở hữu những món đồ đắt tiền và nhằm mục đích “khẳng định đẳng cấp” lại là một chuyện khác.

Một cậu sinh viên lên thành phố nhập học, nhu cầu sở hữu một chiếc laptop là hoàn toán chính đáng bởi giờ đây, máy tính xách tay là một công cụ tối cần thiết để phục vụ học tập và làm việc của mỗi công dân thời đại @. Nhưng nếu nhu cầu sử dụng chỉ đơn giản gói gọn ở các chức năng văn phòng, tra cứu, lướt web, “chơi” face hay một số nhu cầu giải trí phổ thông khác thì rõ ràng việc “tậu” hẳn một laptop cấu hình “khủng” core i5, i7, card rời thì rõ ràng là chưa cần thiết và hơi lãng phí nhất là việc thanh toán hoá đơn có giá thành hàng chục triệu của chiếc laptop ấy được gián tiếp quy đổi bằng từ một cơ số hạt thóc, mớ tép,  bó rau của các bậc phụ huynh. Trao đổi với ANTT.VN, anh Tuấn, hiện đang làm quản lý dự án cho một công ty phần mềm của Nhật tại Việt Nam cho biết: một chiếc laptop phổ thông core i3 là hoàn toàn đủ để đáp ứng mọi nhu cầu làm việc của một người không chuyên về tin học.

Mới đây, trên mạng xã hội, nhiều người đã share cho nhau 1 thống kê kể về mục đích của người Việt khi xài Smartphone: 10% vì công việc, 35% vì công nghệ và có tới 55% sử dụng những chiếc điện thoại thông minh chỉ vì….sỹ diện. Tất nhiên, những ai đổ mồ hôi công sức để có được đồng tiền của chính mình thì họ có quyền sử dụng đồng tiền đó cho những mục đích mà họ hướng tới, chỉ cần không vi phạm pháp luật nhưng những con số thống kê trên cũng phần nào phản ánh một lối sống (hay căn bệnh?) nặng về hình thức của một bộ phận không nhỏ người Việt.
Đã là người của công chúng thì phải khoe nhà, khoe xe, khoe tiền, khoe nhẫn kim cương, khoe du lịch, khoe Spa,… khoe “thân”; MV thì phải gia đình đại gia, nhà ở phải biệt thự, ăn phải nhà hàng sang chảnh, xe đi thì Rolls-Royce, điện thoại thì chí ít cũng phải Iphone đời mới nhất. Hot girl, hot boy, hot teen thì trước khi ăn gì cũng phải check in, mở mắt chào ngày mới là phải “pose”  một hình kèm caption chú thích, trung bình 30’ lại phải một status, trước khi ngủ lại phải “G9” mọi người.

Nhiều lúc tưởng chừng như những chiếc xe gas, những đồng hồ, điện thoại thời thượng chính là những thứ tạo dựng nên nhân cách và năng lực. Cha mẹ dày công sinh thành, dưỡng dục thì coi như người xa lạ, phủ nhận quan hệ huyết thống vì trót mạnh miệng tuyên bố xuất thân “trâm anh thế phiệt”. Và giờ đây, tình yêu đôi khi cũng lại được đong đếm bằng những cuộc chơi, hay món quà lớn nhỏ; có cô gái trẻ chỉ vì bạn trai đem theo "tình phí" hạn chế trong một lần dẫn đi ăn mà "tủi phận", nức nở lên mạng xã hội san sẻ ưu phiền. 

Bức tranh xã hội dường như cũng như nhiều bức ảnh “pose” hình đều được “căn chỉnh” cẩn thận trước khi đưa ra công chúng, thậm chí tới mức chính chủ nhân của nó cũng ngỡ ngàng “chợt” nhận ra chính mình trong mỗi khuôn hình.

Người Việt Nam cần cù, chịu thương, chịu khó, khiêm tốn, giản dị giờ đây dường như khó kiếm. Không biết từ lúc nào việc một lãnh đạo đi công tác bằng máy bay giá rẻ lại trở thành “chuyện lạ” trong khi bên trời Âu, sau giờ làm việc buổi sáng, việc một nữ Thủ tướng cầm đĩa tự xuống nhà ăn lấy đồ ăn lại là chuyện bình thường!

Hiện thực nền kinh tế trong nước đang rất khó khăn, số lượng người chưa có việc làm cũng không phải là nhỏ. Trong một lần trao đổi với ANTT.VN, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho biết hiện nay có tới 20% sinh viên ra trường mỗi năm không tìm được việc làm, như vậy rõ ràng tỷ lệ người thực sự chưa tự tạo ra được thu nhập là rất lớn nhưng có vẻ nhiều người vẫn có vẻ còn khá bình thản và dường như vẫn nhìn nhận cuộc đời qua góc kính “camera 360”.

Ngoài ra, có một chi tiết rất đáng lưu ý đó là trong khi năng suất lao động nằm trong nhóm thấp nhất khu vực thì tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam hiện đã có một “chỗ đứng ổn định” trong top 5 thế giới!

Chí.
  
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến