Dòng sự kiện:
Nguy cơ cắt vốn do chậm tiến độ nhiều dự án hạ tầng y tế ở Quảng Bình
24/07/2024 16:51:28
Quảng Bình sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không giải ngân hết nguồn vốn Chương trình Phục hồi kinh tế xã hội trong năm 2024 tại các dự án hạ tầng y tế.

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình vừa phối hợp Sở Y tế tỉnh Quảng Bình đã tổ chức giám sát kiểm tra các chủ đầu tư về tình hình triển khai một số dự án.

Qua kiểm tra nhận thấy các dự án thành phần 1,2,3,4,5 của Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo 6 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện (tại các địa phương: Huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá, Bố Trạch, Lệ Thuỷ; TP Đồng Hới) mặc dù trong điều kiện thuận lợi, vốn dự án đã được bố trí đủ, đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, song số lượng công nhân lao động, trang thiết bị, máy móc trên hiện trường rất ít, tiến độ thi công rất chậm… Trong khi đó, các dự án này đều sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình Phục hồi kinh tế xã hội và chỉ được giải ngân hết trong năm 2024.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, nguyên nhân là do các công trình chủ yếu nâng cấp, cải tạo, công tác thi công dự án phải triển khai song song với công tác khám chữa bệnh. Công tác thẩm định, phê duyệt phòng cháy chữa cháy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, công tác phối hợp thực hiện giữa các đơn vị (chủ đầu tư, nhà thầu, quản lý dự án, giám sát dự án...) chưa được chặt chẽ.

Sở Y tế Quảng Bình cho biết, đây là các dự án có nguồn vốn chỉ được giải ngân trong năm 2024, do đó, để đảm bảo tiến độ, Sở này yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị liên quan thực hiện một số xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, các chủ đầu tư và đơn vị liên quan lên kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân cho từng công việc và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Phân công lãnh đạo, các đầu mối phụ trách công tác đầu tư, giải ngân vốn, đôn đốc, theo dõi sát các nội dung thuộc trách nhiệm của nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát, quản lý dự án trong quá trình thực hiện và giải ngân để có biện pháp xử lý kịp thời, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư dự án của đơn vị mình.

Các đơn vị quản lý dự án nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án; giúp chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân cho từng công việc; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát dự án... tạo điều kiện thuận lợi nhất để thi công công trình đảm bảo tiến độ.

Cần tiên lượng các tình huống trong quá trình triển khai thi công để có biện pháp sớm, tránh mất nhiều thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn.

Đối với các nhà thầu tập trung, phối hợp tốt với chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, đơn vị giám sát dự án, bố trí đủ máy móc, thiết bị, nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thi công; Thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng hoàn thành phải thực hiện thanh toán để nâng cao tỷ lệ giải ngân, không để dồn thanh toán về cuối năm.

Bệnh viện đa khoa Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình  đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Sở Y tế Quảng Bình cũng đề nghị các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm trong giám sát và đánh giá dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ- CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Trường hợp có vướng mắc, khó khăn, các chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình để có hướng xử lý kịp thời.

Nếu hết ngày 31/12/2024, các dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế Quảng Bình đồng thời tự chủ động thu xếp nguồn vốn để hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu đề ra.

Ông Hoàng Xuân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội được bố trí kế hoạch vốn năm 2024.

Theo đó, yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến các dự án thuộc Chương trình Phục hồi kinh tế xã hội. Đồng thời, lên kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nghiệm thu, giải ngân cho từng công việc và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách từng dự án; đôn đốc, theo sát đơn vị tư vấn, quản lý dự án, thi công trong quá trình thực hiện và giải ngân để có biện pháp xử lý kịp thời, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư dự án.

"Nếu hết ngày 31/12/2024, các dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, bị hủy dự toán dẫn đến dự án thiếu vốn, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời tự chủ động thu xếp nguồn vốn hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu đề ra", Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hoàng Xuân Tân nhấn mạnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các đơn vị quản lý dự án nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát dự án... tạo điều kiện thuận lợi nhất để thi công công trình đảm bảo tiến độ; lường trước các tình huống trong quá trình triển khai thi công để tránh mất nhiều thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn.

Ngoài ra, các đơn vị nhà thầu tập trung phối hợp tốt với chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, đơn vị giám sát dự án bố trí đủ máy móc, thiết bị, nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện công tác nghiệm thu, thanh toán theo đúng quy định; ngay khi có khối lượng hoàn thành phải thực hiện thanh toán để nâng cao tỷ lệ giải ngân, không để dồn thanh toán về cuối năm...

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện nay tỉnh đã bố trí vốn 150 tỷ đồng cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi kinh tế xã hội, trong đó năm 2024 đã bố trí 110,78 tỷ đồng.

Báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình cho biết, đến ngày 30/6/2024, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn bố trí trong năm 2024 là 26,94 tỷ đồng/110,78 tỷ đồng, đạt 24,3%. Theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội, nguồn vốn của các dự án thuộc Chương trình Phục hồi kinh tế xã hội chỉ được giải ngân trong năm 2024.

Xuân Hương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến