Liên quan đến việc vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại kho xưởng của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) gây thiệt hại nặng nề về tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh đây, ngày 30/8, thông tin từ Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã đề nghị phía UBND Hà Nội báo cáo thông tin vụ việc. Trong ngày hôm nay, Tổng cục Môi trường sẽ cử Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc phối hợp với cơ quan môi trường của Hà Nội để tổng rà soát, đánh giá hiện trạng môi trường sau vụ cháy.
Theo đó, Trung tâm quan trắc của Tổng cục sẽ cùng cơ quan môi trường Hà Nội tiến hành quan trắc, lấy mẫu không khí, nước, đất xung quanh khu vực xảy ra sự cố bằng các thiết bị hiện đại để tiến hành đánh giá thực trạng môi trường sau vụ cháy. Trên cơ sở đó có khuyến cáo phù hợp.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông gây nhiều lo ngại về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm thủy ngân do bóng đèn huỳnh quang của nhà máy có chứa thủy ngân.
Hiện trường xảy ra vụ cháy kinh hoàng.
Ngay sau vụ cháy, UBND phường Hạ Đình đã có công văn yêu cầu các gia đình tự theo dõi sức khỏe các thành viên. Nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt, co giật, nôn phải đưa đi khám tại các bệnh viện để được xử lý kịp thời. Bên cạnh đó cần kịp thời thông báo cho UBND phường hoặc trạm y tế phường các trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe, các trường hợp nghi ngộ độc do bụi tro tàn dư của cháy.
UBND Phường yêu cầu người dân tiến hành rửa mắt mũi, súc miệng họng hàng ngày bằng dung dịch natri clorid từ 4-6 lần một ngày trong thời gian 7-10 ngày sau khi xảy ra đám cháy, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Không sử dụng thực phẩm như rau, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy. Không sử dụng nước tại các bể hở trong bán kính 1km. Sơ tán trẻ em, người già, người ốm ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của đám cháy từ 1-10 ngày để hạn chế ảnh hưởng.
UBND phường cũng yêu cầu người dân thay giặt toàn bộ quần áo có nhiễm khói bụi do cháy bằng cách giặt sạch nhiều lần sau đó ngâm xà phòng nóng trong 70-80 độ. Vệ sinh toàn bộ ngoại cảnh, thau rửa các vật dụng chứa nước, vật dụng sinh hoạt có bám bụi bằng tro. Tiêu hủy các loại rau trái tự trồng trong vòng bán kính 500m.
Vụ cháy xảy ra nhiều tiếng đồng hồ gây vô cùng khó khăn cho lực lượng chức năng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Theo các chuyên gia môi trường, đèn huỳnh quang chứa một lượng thủy ngân nhất định. Sự cố cháy ở Nhà máy phích nước bóng đèn Rạng Đông có nguy cơ gây ô nhiễm thủy ngân.
Theo báo cáo nhanh của UBND quận Thanh Xuân, trong tổng diện tích nhà kho, xưởng bị cháy có kho compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn, vật tư ngành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác. Trên website của Nhà máy Rạng Đông cũng viết “nguyên lý của bóng đèn huỳnh quang cần phải có một lượng thủy ngân nhất định để phát sáng. Ngày nay bóng đèn huỳnh quang T8 của Rạng Đông sử dụng viên thủy ngân amalgam”.
Thủy ngân thuộc nhóm đầu các độc tố gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế nêu “Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong”.
Nhiều người dân hoảng sợ, thất thần khi vụ cháy xảy ra.
Chứng bệnh Minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân. Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, đồng thời ảnh hưởng tới miệng, các cơ hàm mặt và răng. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Nó có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Theo tìm hiểu, kim loại thủy ngân là một chất lỏng màu xám bạc, gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi, có thể sinh ra từ hoạt động của các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác và đám cháy rừng.
Methyl thủy ngân (MeHg) có thể ngấm vào cơ thể khi con người ăn một số loài cá nước mặn và nước ngọt, đặc biệt là loài cá lớn ở đỉnh chuỗi thức ăn như cá mập, cá kiếm, cá vược và cá chó.
Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong pin, thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt muỗi và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Hợp chất này có thể gây hại nếu con người hít hoặc nuốt vào cơ thể.
Dạng cuối cùng là thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có mặt trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm, mỹ phẩm dành cho mắt và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Phenylmercury xâm nhập vào cơ thể khi hít vào ở dạng hơi, ngấm qua da hoặc qua đường tiêu hóa. Việc tiếp xúc với thủy ngân diễn ra phổ biến nhất qua đường thức ăn khi tiêu thụ hải sản hoặc thực vật nhiễm độc thủy ngân.
Một khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thụ gần như hoàn toàn vào máu và phân phối tới mọi mô bao gồm bộ não. Nó cũng truyền qua nhau thai đến thai nhi và não thai nhi. Dấu hiệu đầu tiên của việc nhiễm độc thủy ngân là hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay và ngón chân, gọi là chứng dị cảm (paresthesia).
Việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài dẫn đến run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý và viêm lợi. Các triệu chứng này xảy ra khi một người tiếp xúc với nồng độ thủy ngân trong không khí trên 50 microgram/m3.
Cảnh hoang tàn sau vụ cháy kinh hoàng vào tối ngày 28/8 tại nhà máy Rạng Đông.
Trao đổi về vụ việc, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, các sự cố cháy nổ lớn thường có tác động môi trường lớn đến khu vực xung quanh, như ô nhiễm bụi mịn, phát thải các khí độc. Vì thế, cần huy động cơ quan chuyên môn tiến hành quan trắc chất lượng không khí liên tục xung quanh khu vực cháy, trong đó có quan trắc hàm lượng thủy ngân trong không khí. Trên cơ sở đó xác định mức độ ô nhiễm và có giải pháp xử lý phù hợp.
Trước đó, vào lúc hơn 18h ngày 28/8, một vụ cháy kinh hoàng kéo dài nhiều tiếng đồng hồ tại kho chứa hàng thuộc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ở phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Theo đó, khu vực xảy ra cháy nằm trong khuôn viên kho chứa hàng hóa với tổng diện tích nhà kho, xưởng là khu vực xảy ra cháy khoảng 6000m2. Các khu vực kho và xưởng bị cháy nằm tại phía Đông Nam khuôn viên Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, bao gồm: Kho compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn, vật tư nghành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác.
Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, Lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo Công an quận và các lực lượng chức năng phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các kho hàng của nhà máy và các hộ dân liền kề.
Qua số liệu cho thấy, quận Thanh Xuân đã huy động 200 cán bộ chiến sĩ và 35 phương tiện các loại thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn (20 xe chữa chảy, 10 xe trực y tế, cấp cứu, 01 xe cứu nạn cứu hộ, 03 xe téc nước, 01 xe máy xúc) và chỉ đạo lực lượng PCCC cơ sở, huy động toàn bộ lực lượng bảo vệ dân phổ, dân phòng 5 phường lân cận phổi họp chừa cháy, phân luồng giao thông, di chuyển và bảo vệ tài sản của người dân.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã báo cáo xin ý kiến Chủ tịch UBND Thành phố thống nhất chỉ đạo quận tập trung quyểt liệt di chuyển ngay các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; các lực lượng chức năng đã tiến hành hồ trợ di chuyển tài sản đối với 58 hộ dân với 213 nhân khẩu dọc tuyến phố Hạ Đình thuộc 02 phường: Thanh Xuân Trung, Hạ Đình ra khỏi khu vực đám cháy, đảm bảo không ảnh hưởng đển người và các tài sản lớn có giá trị.
Đến khoảng 21h10 cùng ngày, đám cháy về cơ bản được khống chế, ngăn chặn được cháy lan, sau đó lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành khoanh vùng phun nước và các biện pháp nghiệp vụ không để bùng phát cháy trở lại. Đến khoảng 23h30 cùng ngày, đám cháy cơ bản đã được dập tắt.
Liên quan đến vụ cháy, ngày 29/8, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông báo cáo thống kê ban đầu vụ hoả hoạn gây thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng (5% tổng tài sản Công ty).
Lê Hoàng Nguyên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy