Ngày 26/7, phát biểu tại hội thảo khoa học Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo nhìn nhận Nghị quyết 54 (cơ chế chính sách đặc thù cho TP HCM) chỉ phát huy ở một số lĩnh vực, không phải là "chiếc đũa thần" giúp thành phố tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm lực.
"Phải là cơ chế chính quyền đô thị mới tạo điều kiện cho TP HCM phát triển nhanh và bền vững", bà Thảo nói và cho biết với thực tế hiện nay, thành phố cần tập trung quy hoạch và quản lý quy hoạch; cải cách hành chính mạnh mẽ, giảm họp để tập trung giải quyết công việc.
Nguyên chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thiên Ngôn.
"Đường hướng phát triển đã vạch ra rất hay rồi, nhưng quan trọng là tổ chức như thế nào cho nhanh, tạo cảm hứng, sức sáng tạo mạnh mẽ hơn thì lại làm chưa tốt. Muốn sáng tạo là phải đổi mới cơ chế, tôi không nghĩ đội ngũ cán bộ thành phố trì trệ. Họ sẵn sàng đổi mới, nếu như lãnh đạo dám đứng ra 'đỡ đòn' cho những đột phá, đổi mới đó", bà Thảo nói.
Nguyên Chủ tịch HĐND thành phố cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc có từ trong cơ chế chính sách và đang ràng buộc tất cả. Lãnh đạo thành phố cần ngồi lại để nghe các chuyên gia, nhân sĩ trí thức góp ý, từ đó sẽ có các chính sách phù hợp hơn giúp TP HCM phát triển.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Hồng Liêm (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng) cho rằng, để thành phố năng động sáng tạo phải cần cả quá trình chứ không phải là chuyện nhất thời, nên rất cần những "bà đỡ".
Theo ông Liêm, lãnh đạo thành phố cần có tầm tri thức, lòng bao dung và trách nhiệm đầy đủ để bảo vệ nhân tố tích cực, thai nghén những nhân tố đó. "Lãnh đạo đừng có 'cặp kính hồng'. Nên nghe những lời góp ý ngay thẳng, thật lòng chứ đừng chỉ nghe lời nịnh bợ. Thành hay bại là do người đứng đầu", ông Liêm nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội thảo. Ảnh: Thiên Ngôn.
Trước đó, phát biểu mở đầu hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, để thành phố phát triển mạnh và có tính đột phá cần xác định nguồn lực có thể huy động nhiều nhất, phát huy tốt nhất. Hiện, tài nguyên lớn nhất của thành phố và đã có sẵn, chính là 10 triệu dân. Việc khơi dậy, phát huy nguồn lực này có ý nghĩa rất quan trọng.
Dẫn chứng về sự sáng tạo trên thế giới, ông Nhân cho biết, Israel có khoảng 8,7 triệu dân, điều kiện khắc nghiệt (chủ yếu là sa mạc, phải biến nước biển thành nước ngọt…) nhưng hiện là một trong những quốc gia phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, có chỉ số sáng tạo cao nhất thế giới. Tương tự, các nước Nhật Bản, Singapore cũng có sự phát triển vượt bậc từ sự sáng tạo, trí tuệ và năng lực con người.
Theo người đứng đầu Thành ủy, TP HCM từng gặp nhiều khó khăn, thách thức, những trở lực về cơ chế chính sách... nhưng đã tìm những cái mới để tháo gỡ, thậm chí có lúc phải "xé rào" vì lợi ích chung. Hiện, thành phố cũng đứng trước những trở ngại như biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số (5,5 năm tăng một triệu người)... nên từ bây giờ phải dự báo được các vấn đề phát sinh để có kế hoạch và giải pháp phù hợp.
"Một bài học rất rõ ràng là những quốc gia, địa phương nào có ý thức đầy đủ về các thách thức thì sẽ nảy sinh nhiều sáng tạo", ông Nhân nói.
Theo Vnexpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy