Chỉ số giảm sâu, thanh khoản sụt giảm và khối ngoại bán ròng mạnh trong tuần qua. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới.
*Nguyên nhân “kích hoạt” bán tháo
Tuần qua, áp lực bán lan rộng toàn thị trường kéo chỉ số VN-Index giảm mạnh. Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường trước áp lực tỷ giá gia tăng và động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước trong 2 phiên cuối tuần nhằm hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng để hạn chế tình trạng đầu cơ tỷ giá.
Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), diễn biến này đã kích hoạt đà bán tháo trong hai phiên cuối tuần và kéo các cổ phiếu đầu cơ điều chỉnh mạnh; trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất, cho thấy dấu hiệu dòng tiền đầu cơ suy yếu và chuyển sang trạng thái phòng thủ.
Nhóm cổ phiếu bất động sản của điều chỉnh mạnh, làm trầm trọng thêm đà điều chỉnh của thị trường. Ngược lại, nhóm cổ phiếu xuất khẩu là nhóm hiếm hoi ghi nhận diễn biến tích cực trong tuần qua, nhờ được hưởng lợi từ diễn biến tỷ giá gần đây và triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong tuần qua. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán tuần qua chịu nhiều ảnh hưởng từ các thông tin vĩ mô như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất duy trì ở phạm vi 5% đến 5,25%.
Ngoài ra, Fed cũng cho biết có thể sẽ thực hiện thêm một đợt tăng nữa trước cuối năm nay và có ít đợt hạ lãi suất hơn so với dự kiến vào năm tới; Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã quyết định tạm dừng đợt tăng lãi suất kéo dài gần 2 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.
Về thông tin trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ thông tin Ngân hàng Nhà nước đã mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước ngày 21/9/2023 đã chào thầu thành công gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%.
Kết thúc tuần giao dịch từ 18 - 22/9, VN-Index giảm mạnh 2,8% so với tuần trước đó, về mức 1.193,05 điểm; HNX-Index giảm 1,34% về 252,76 điểm và UPCOM-Index giảm 3,2% xuống 90,8 điểm.
Tuần qua, VIC giảm 6,7%, VHM giảm 5%, VPB giảm 5,8% và MSN giảm 5,4% là các cổ phiếu kéo giảm thị trường, lấy đi tổng cộng 10 điểm từ VN-Index.
Ngược lại, DGC tăng 7,9%, VHC tăng 8,6% và STB tăng 1,2% đã kìm lại đà bán tháo của thị trường.
Khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng với 1.700 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tuần qua, gây thêm áp lực giảm điểm. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên toàn thị trường giảm 10,2% so với tuần trước đó, đạt 27.214 tỷ đồng.
Chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) Nguyễn Huy Phương nhận định, sau trạng thái suy yếu, thị trường đã đánh mất vùng hỗ trợ 1.210 điểm và mở rộng nhịp giảm điểm.
Thị trường có phản ứng hồi phục sau khi lùi về vùng hỗ trợ 1.175 điểm tại VN-Index và tạo nến Hammer (là một mô hình nến đảo chiều được hình thành trên các đáy).
Với tín hiệu hỗ trợ này, có khả năng thị trường sẽ có diễn biến hồi phục trong phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, mức hồi phục có thể hạn chế và mang tính chất kiểm tra lại nguồn cung tại vùng Gap (khoảng trống giá) giảm vừa mới tạo ra, do thị trường vẫn còn tiềm ẩn rủi ro sau quá trình phân phối gần đây.
Chuyên gia phân tích Nguyễn Huy Phương khuyên nhà đầu tư thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu trong nhịp hồi phục hiện tại. Đồng thời cân nhắc khả năng hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn để có thể phòng ngừa rủi ro.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), thị trường sẽ không mất nhiều thời gian để ổn định trở lại và phục hồi, nhà đầu tư cân nhắc nâng tỷ trọng cổ phiếu để đón đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán tháo trong phiên cuối tuần qua sau diễn biến kém tích cực của chứng khoán toàn cầu, cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỷ giá. Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối.
Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, ông Hinh cho rằng bước đi này của Ngân hàng Nhà nước không phải nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại, mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá.
Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho Bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn tiếp tục các giải pháp nhằm duy trì thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, thị trường có thể sớm nhìn nhận lại về động thái phát hành tín phiếu vừa qua của Ngân hàng Nhà nước.
Tâm lý thị trường có thể ổn định trở lại sau khi những tin đồn liên quan tới lãnh đạo cấp cao của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) nộp đơn nghỉ việc bị lan truyền trên mạng và điều chỉnh danh mục margin (cho vay ký quỹ) của một công ty chứng khoán top đầu được đính chính và làm rõ.
Đồng thời, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn (tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong quý III/2023 so với tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nay) sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới, ông Hinh nhận định.
Thực tế, nhìn lại diễn biến thị trường tuần qua có thể thấy, đà giảm của chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung với các thị trường thế giới.
*Chứng khoán thế giới đi xuống
Thị trường chứng khoán thế giới đã có tuần giao dịch nhiều biến động, sau khi Fed phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm nữa trong năm nay và giá dầu đã vượt ngưỡng 95 USD/thùng.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã bị giảm hơn 6% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng Bảy. Chỉ số S&P 500 mất 2,9%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Ba. Hai chỉ số chính khác là chỉ số công nghệ Nasdaq và chỉ số công nghiệp Dow Jones đều đi xuống.
Các nhà giao dịch tại thị trường chứng khoán New York. Ảnh: THX/TTXVN
Các thị trường chứng khoán châu Âu đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/9 trong sắc đỏ, với mức giảm điểm hàng tuần lớn. Các nhà đầu tư trên các thị trường này đang phải vật lộn với triển vọng lãi suất tăng và giữ mức cao trong thời gian dài, đi kèm với nỗi lo lắng về sự suy thoái kinh tế trong khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn còn tồn tại.
Khép phiên cuối tuần, chỉ số DAX trên sàn giao dịch Frankfurt giảm 0,1%, còn 15.557,29 điểm, chỉ số CAC 40 giảm 0,4% xuống còn 7.184,82 điểm, chỉ duy nhất chỉ số FTSE trên sàn London tăng 0,1%, lên 7.683,91 điểm.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng HSBC phân tích lãi suất cao hơn đang bắt đầu tác động đến nền kinh tế châu Âu. Với những lo ngại hạn chế về suy thoái kinh tế - ít nhất là về một cuộc suy thoái lớn - và giá năng lượng tăng trở lại, HSBC cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (EBC) trong ngắn hạn sẽ tiếp tục tập trung hơn vào việc giải quyết lạm phát, duy trì xu hướng thắt chặt tiền tệ thêm một thời gian nữa.
Trên các sàn giao dịch châu Á, giá cổ phiếu có sự chuyển dịch ngược chiều nhau. Tại Trung Quốc cả hai chỉ số chính là Hang Seng ở Hong Kong và Shanghai Composite ở Thượng Hải đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 22/9, sau khi đi xuống trong phiên giao dịch trước đó. Phần lớn các thị trường khác của châu Á cũng chuyển sắc xanh. Chỉ duy nhất thị trường chứng khoán Nhật Bản nối bước Phố Wall giảm điểm, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng./.
Tác giả: Văn Giáp