Dòng sự kiện:
Nhà băng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm
24/11/2024 12:00:56
Tín dụng tiêu dùng đang dần trở lại khi các ngân hàng, công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm với lãi suất khá cạnh tranh.

Nhu cầu mua sắm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối năm, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán 2025 được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó có mảng vay tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính. Các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB... đang đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.

Phó tổng giám đốc HDBank Trần Hoài Nam cho biết, Công ty Tài chính HD SAISON của HDBank đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất tương đối cạnh tranh, cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng và kết quả giải ngân khá tích cực.

Tại Hội thảo Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây tại Hà Nội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng trên cả nước đang trên đà phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Hiện có trên 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng được triển khai đến người dân.

Các chuyên gia tài chính dự đoán, nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm 2024 và năm tiếp theo sẽ tăng trở lại nhờ kinh tế tăng trưởng khả quan, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, thị trường bất động sản phục hồi.

Thực tế, sau giai đoạn chững lại và đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang hồi phục. Không chỉ các ngân hàng thương mại, mà nhiều công ty tài chính cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn, tiêu dùng của khách hàng dịp cuối năm.

Kết thúc 9 tháng năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt gần 13.900 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong kết quả kinh doanh ấn tượng này có dấu ấn không nhỏ của FE Credit, khi quý III/2024 báo lãi gần 300 tỷ đồng. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ của công ty tài chính tiêu dùng này, ưu tiên lựa chọn, lọc phân khúc khách hàng chất lượng, đẩy mạnh thu hồi nợ và tinh chỉnh bộ máy hoạt động. Đáng chú ý, nỗ lực thúc đẩy thu hồi nợ và ứng dụng công nghệ số xuyên suốt cũng mang lại trái ngọt cho cả tập đoàn khi thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất đạt hơn 3.200 tỷ đồng trong 3 quý, tăng hơn 90% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tại HD SAISON, mảng tài chính tiêu dùng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng năm nay, với dư nợ tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 906 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ, ROE đạt 22,9%, là công ty tài chính tiêu dùng có mức hiệu quả dẫn đầu ngành. Công ty hiện sở hữu gần 26.000 điểm giao dịch tài chính tại 63 tỉnh, thành phố, phục vụ trên 13 triệu khách hàng.

Trong khi đó, EVN Finance vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 226,6 tỷ đồng, tăng 58,2% so với cùng kỳ và lũy kế 9 tháng đạt 537,3 tỷ đồng, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2023, thực hiện được hơn 91% kế hoạch năm (585 tỷ đồng).

VietCredit cũng vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2024 với nhiều thông tin lạc quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của VietCredit vẫn ghi nhận lỗ 36,5 tỷ đồng, so lỗ 193,9 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022 và lỗ 62,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu được cải thiện đáng kể cũng giúp chi phí dự phòng giảm 14%.

Giới phân tích cho rằng, tín dụng tiêu dùng đã trải qua năm 2023 khốc liệt nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, với các chính sách kích cầu, tăng sức mua, cùng sự thay đổi từ chính nội lực của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, bức tranh được kỳ vọng khả quan hơn.

Fiin Group nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô như sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Fiin Group, tình trạng nợ xấu ở khối tiêu dùng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến