VietinBank đã thoái xong toàn bộ vốn tại Saigonbank
Tháng 4 vừa qua, VietinBank đã đấu giá thành công hơn 15 triệu cổ phần của Saigonbank, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,91%, thu về 305,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí như tư vấn, thẩm định giá, VietinBank thu ròng 304,88 tỷ đồng từ đợt chào bán này. Trước đó, VietinBank cũng bán gần 17 triệu cổ phần tương đương 5,48% vốn cổ phần Saigonbank trong năm 2016.
Trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây cũng chứng kiến hoạt động thoái vốn của các nhà băng đang diễn ra tích cực và mạnh mẽ hơn. Không chỉ bởi thị trường chứng khoán đang có xu hướng thuận lợi, mà ngân hàng thoái vốn còn để đáp ứng những quy định về sở hữu cổ phần.
Theo đó, năm 2018, Vietcombank đã thoái vốn ở OCB, Saigonbank, Eximbank và MBBank; Agribank thoái vốn khỏi OCB; BIDV thoái bớt khoản vốn góp liên doanh với các định chế nước ngoài... Hoạt động thoái vốn trước hết sẽ giúp tái cơ cấu tài chính, giảm thiểu việc phải phân tán nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính của mỗi ngân hàng.
Việc tái cơ cấu không chỉ được thực hiện ở các TCTD yếu kém mà với tất cả các TCTD trong hệ thống, từ các tổ chức có quy mô lớn, hoạt động bình thường đến các tổ chức có quy mô nhỏ, các tổ chức trong nước đến các tổ chức nước ngoài theo những định hướng phát triển rõ ràng, phù hợp với năng lực và điều kiện của từng loại hình TCTD, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn hệ thống.
Theo quy định hiện hành các NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NHTM đó. Bên cạnh đó, NHTM cũng chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một TCTD khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó. Đặc biệt TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của các DN, TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính TCTD đó.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, quy định như vậy để tránh trường hợp các TCTD sở hữu chéo cổ phần của nhau, cùng với đó là sự thiếu minh bạch về nguồn gốc vốn góp do năng lực vốn ảo... sẽ khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi tái cơ cấu.
Trên thực tế, thời gian qua NHNN đã rất quyết liệt xử lý tình trạng vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo, bao gồm các giải pháp chính sách và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; thanh tra, giám sát và tái cơ cấu các TCTD. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, bộ, ngành và UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các DNNN để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn góp, vốn cổ phần tại các TCTD theo chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp, lộ trình đã đề ra.
Nhờ đó, theo báo cáo mới nhất của NHNN, các TCTD đã cơ bản xử lý, khắc phục được một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Cụ thể: Số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đến thời điểm cuối tháng 12/2018 đã khắc phục được hết (năm 2012: 7 cặp); Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và DN giảm, đến tháng 12/2018 còn lại 1 NHTMCP với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).
Không dừng lại ở đó, NHNN cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD số 17/2017/QH14, trong đó bổ sung các quy định “Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 điều này. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác”.
Quy định này nhằm xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành để phục vụ cho các lợi ích liên quan. NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-NHNNquy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, thoái vốn là một trong những giải pháp để giúp nhà băng cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam đang gấp rút áp dụng chuẩn Basel II và trong tương lai sẽ là Basel III. Thực tế các quy định về tỷ lệ an toàn vốn ngày càng được nâng lên, trong khi điều kiện và khả năng tăng được vốn của các ngân hàng ngày càng khó khăn. Bởi vậy, động thái tích cực thoái vốn của nhiều ngân hàng chính là tạo thêm điều kiện để các nhà băng cải thiện vốn tự có, bảo đảm hệ số CAR.
Theo NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 3/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 578,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,45% so với cuối năm 2018 và tăng 13% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 792,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2018 và 20,1% so với cuối năm 2017. Tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018.
Cũng theo NHNN, việc triển khai Basel II được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, đã có 7 NHTM được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II, gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, TPBank, ACB.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy