Dòng sự kiện:
Nhà băng tiếp tục cuộc đua... lên sàn
25/02/2019 19:11:43
Kết thúc năm 2018, chỉ có đúng ba cái tên lên sàn HoSE, đó là Techcombank, HDBank và TPBank, cho dù trước đó số lượng nhà băng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong năm 2018 không hề ít.

Nhiều ngân hàng rục rịch

Một số ngân hàng như OCB, ABBank, Nam A Bank, VietBank, Viet A Bank, SeABank, BaoViet Bank... đều đã lỡ hẹn đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.

Ngân hàng sẽ tính toán kỹ về thời điểm lên sàn

Ví dụ trường hợp BaoViet Bank, dù đã được cơ quan quản lý chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.150 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng từ tháng 6/2014 nhưng cuối năm 2018 việc tăng vốn vẫn chưa thực hiện được. Hay VietBank đã chốt danh sách cổ đông dự kiến lên UPCoM trong năm 2018 và đến năm 2020 sẽ chuyển sang HoSE nhưng đến nay cũng vẫn chưa thấy động tĩnh gì mới mẻ từ phía nhà băng này.

Theo chia sẻ của một chuyên gia chứng khoán, việc nhiều nhà băng bị lỡ nhịp với kế hoạch chào sàn năm 2018 phần lớn do hai quý cuối năm 2018, thị trường không được thuận lợi như thời gian trước, tác động tới giá trị nhóm cổ phiếu ngân hàng, dẫn tới việc các ngân hàng có phần e dè hơn đối với kế hoạch niêm yết dự kiến.

Năm nay, dù đại hội cổ đông thường niên chưa diễn ra, song theo quan sát, nhiều ngân hàng đã và đang chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết, hoặc tiếp tục dự định còn dang dở của năm 2018.

Hoạt động kinh doanh năm 2018 tích cực, đặc biệt là việc nợ xấu của nhiều ngân hàng có xu hướng giảm được cho là mấu chốt thúc đẩy các nhà băng quyết tâm cao với kế hoạch chào sàn năm 2019. Đơn cử ABBank kết thúc năm 2018 với các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2017. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 924 tỷ đồng (bằng 152,7% so với năm 2017), hoàn thành 102,6% kế hoạch năm 2018. Kết quả kinh doanh thuận lợi, năm 2019 ABBank đặt kế hoạch triển khai niêm yết cổ phiếu tại HoSE.

MSB cũng dự kiến chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào quý III/2019, sau khi đón nhận lợi nhuận vượt 1.000 tỷ đồng năm qua, gấp hơn 5 lần so với kế hoạch, nợ xấu cũng được xử lý hiệu quả.

Lãnh đạo Nam A Bank cho biết ngân hàng này sẽ niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong năm nay. Trước đó năm 2018, đại hội đồng cổ đông của ngân hàng này cũng đã thông qua kế hoạch đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. OCB  cũng có kế hoạch niêm yết trên HoSE cuối quý III hoặc đầu quý IV/2018 nhưng vẫn chưa thành công, nên dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2019…

Bên cạnh đó, cũng có một số nhà băng đã chào sàn UPCoM đang có kế hoạch chuyển sang sàn giao dịch HoSE. Đơn cử như LienVietPostBank có kế hoạch dự kiến chuyển giao dịch cổ phiếu LPB từ UPCoM sang niêm yết tại HoSE trong năm nay. Hay tại Đại hội cổ đông năm 2018 của VIB đã thông qua kế hoạch chuyển giao dịch sang HoSE ở thời điểm phù hợp năm 2019.

Thị trường có thuận lợi?

Nhận định của một chuyên gia kinh tế cho hay, sau khi trải qua năm 2018 với nhiều biến động, quy mô thị trường năm 2019 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Tuy vậy, mặc dù kỳ vọng vào một kịch bản tích cực của thị trường, nhưng các chỉ số chính sẽ dao động trong biên độ khá lớn, khoảng 300 - 350 điểm và sẽ chịu nhiều áp lực.

Thực tế, ai cũng hiểu rằng nếu cổ phiếu ngân hàng được niêm yết sớm sẽ càng có nhiều cơ hội tăng giá. Tuy nhiên giá cổ phiếu phụ thuộc diễn biến thị trường, mà trong bối cảnh hiện nay, thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn khó đoán định. Đó là chưa kể tới những áp lực khác cũng sẽ là những yếu tố tác động tới điều kiện nhà băng lên sàn.

Theo chuyên gia, một trong những yếu tố bên ngoài đang có tác động không nhỏ tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài đó là lộ trình thắt chặt của Fed. Fed đã tăng lãi suất USD 4 lần trong năm 2018 lên 2,25 - 2,5% và dự kiến sẽ tăng tiếp lãi suất 2 lần nữa trong năm nay.

Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính sách tháng 1 của Fed vừa được công bố mới đây cho thấy, hầu hết các quan chức Fed đều có chung quan điểm nên kết thúc việc thu hẹp bảng cân đối tài sản trong năm nay. Các quan chức Fed cũng đang tranh cãi về sự cần thiết để tăng tiếp lãi suất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại. Đó sẽ là một tín hiệu tích cực với chứng khoán toàn cầu, song vẫn còn là một ẩn số.

Thế nhưng vẫn còn một “ẩn số” nữa đó chính là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Mặc dù cả hai nước vẫn đang nỗ lực đàm phán để ngăn không cho cuộc chiến này leo thang; nhưng theo giới quan sát, cuộc chiến này có thể sẽ không sớm kết thúc bởi bất đồng giữa hai nước không chỉ đơn thuần là vấn đề thương mại.

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sẽ tạo nhiều áp lực đến lãi suất, tỷ giá trong nước khi đồng USD nhiều khả năng sẽ tăng giá, còn nhân dân tệ lại sụt. “Như vậy, dòng vốn năm sau không chỉ khó khăn cho DN kinh doanh mà còn khó khăn cho các dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán”, chuyên gia dự báo.

Trong nước, dòng vốn từ hệ thống ngân hàng cũng được dự báo sẽ bị thắt chặt nhiều hơn khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ là 14% và NHNN vẫn kiên định với chủ trương kiểm soát chặt dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán…

Chưa kể tín dụng được thắt chặt hơn, lợi nhuận ngân hàng khó có khả năng duy trì được mức tăng như năm 2018, tất yếu giá cổ phiếu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong năm 2019 diễn biến chi phí dự phòng sẽ phân hoá giữa các ngân hàng. Rồi việc đầu tư nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, đầu tư vào ngân hàng số sẽ khiến cho các nhà băng phải chi trả nhiều hơn cho chi phí hoạt động. Đây được xem là một trong những nhân tố chủ chốt tác động tới tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng.

Đi cùng với đó, áp lực tăng vốn đối với các NHTM để đáp ứng chuẩn của Basel II trong năm 2019 cũng là một thách thức không nhỏ. Nếu không triển khai được kế hoạch tăng vốn cũng gây khó khăn cho việc lên sàn chứng khoán. Bởi niêm yết phụ thuộc rất lớn vào yếu tố nội tại, sức khoẻ, năng lực tài chính của nhà băng. Nâng cao tiềm lực về vốn, năng lực hoạt động sẽ khiến các ngân hàng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư…

Tuy vậy, vẫn có những dấu hiệu tích cực đối với các ngân hàng có kế hoạch niêm yết trong năm 2019. Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho hay, cần phải hiểu rằng việc 14% tăng trưởng  năm 2019 sẽ rất khác với tăng 14% của năm 2017. Nói như vậy để thấy, mức tăng trưởng có thể không cao, nhưng nếu quy về con số tuyệt đối thì sẽ nhiều hơn.

Thêm nữa, việc các ngân hàng tích cực trong xử lý nợ xấu khiến tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh trong năm qua cũng sẽ giúp tạo đà cho hiệu quả hoạt động của ngân hàng năm 2019 sẽ khả quan hơn, tác động tích cực đối với các ngân hàng đã niêm yết cũng như tạo thêm điều kiện cho các ngân hàng có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến