Nhà báo phải nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội
17/11/2016 10:01:48
Đó là một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Bộ Quy định mới về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Tin liên quan

Dự thảo Bộ Quy định mới về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 9 điều vừa nhận được nhiều ý kiến góp ý, bổ sung tại Hội thảo Xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng nay, 16/11/2016, ở Hà Nội.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà báo lão thành, đại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí.

Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tổ chức.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Thời điểm dự kiến đưa Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam vào thực thi cùng lúc với Luật Báo chí năm 2016 đang đến gần (1/1/2017). Việc xây dựng Bộ Quy định này đã và đang được các cấp hội trong toàn quốc hưởng ứng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

"Vấn đề cần phải đặc biệt lưu ý khi xây dựng Bộ Quy định này là đời sống xã hội, đời sống báo chí hiện nay rất sôi động, đa dạng, có nhiều diễn biến phức tạp, vấn đề đạo đức báo chí đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Phải làm sao số lượng điều không nhiều, ngôn từ, câu chữ không nhiều nhưng phải thể hiện được tất cả những nội dung cơ bản nhất, thiết yếu nhất. Tất cả những nội dung không thể thiếu phải được thể hiện trong những câu chữ ngắn gọn, vừa có tính khái quát lại vừa cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện nhất", Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Bàn về dự thảo, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đề xuất cần có những quy định cụ thể hơn về đạo đức nghề nghiệp người làm báo: "Không nên câu nệ chuyện dài hay ngắn. Nếu dài mà nhà báo, phóng viên có hành lang pháp lý đầy đủ để tác nghiệp thì vẫn rất tốt".

Góp ý cụ thể hơn, ông Lưu Đình Phúc đề nghị bổ sung quy định nhà báo, phóng viên không được bịa đặt, hư cấu, che giấu sai phạm.

Toàn cảnh Hội thảo với sự tham dự của nhiều nhà báo lão thành, đại diện cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí...

Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cũng khuyến nghị thêm rằng nên tạo sự khác biệt, tăng tính dễ nhận biết giữa Bộ Quy định mới với quy định hiện hành về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Bộ quy định cũ cũng có 9 điều, nên chăng để 8 điều hoặc 10 điều trong Bộ quy định mới.

Theo dự thảo do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng, 9 quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm:

1. Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

2. Chấp hành nghiêm Luật Báo chí và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

3. Hành nghề trung thực, khách quan, công bằng và cân bằng. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không bóp méo, làm sai lệch, xuyên tạc sự thật.

4. Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích chính đáng của tập thể và công dân.

5. Không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

6. Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin.

7. Tôn trọng bản quyền. Đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp.

8. Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, phấn đấu vì một nền báo chí đạo đức, chuyên nghiệp và hiện đại.

9. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới.

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến