Nhà 'cầm cân nảy mực' Standard & Poor's bị phạt 1,4 tỉ USD
04/02/2015 11:37:53
ANTT.VN - Standard &Poor's vốn là một trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới. Tuy nhiên, hôm qua (3/2) cơ quan này đã bị cáo buộc đánh giá sai lệch, góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và phải trả mức phạt lên tới 1,4 tỉ USD.

Standard & Poor's là một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Hoa Kỳ và là một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới. Hai cơ quan còn lại là Moody và Fitch.
 
Mỗi dấu cộng (+) hoặc trừ (-) của các tổ chức đánh giá này đều tự động kích hoạt dòng chảy vào hoặc ra lên đến hàng tỷ USD đối với loại tài sản đó. Khi Standard & Poor's, Moody's hoặc Fitch hạ mức tín nhiệm chứng khoán một công ty, họ sẽ kích hoạt một sự hoảng loạn buộc công ty bị ảnh hưởng phải tìm cách huy động nguồn vốn mới càng sớm càng tốt nếu không muốn bị phá sản.

Vậy nhưng hôm qua (3/2) Bộ Tư pháp Mỹ đã tuyên bố mức phạt 1,38 tỉ USD cho cơ quan xếp hạng này do bị cáo buộc có hành vi đánh giá sai lệch và góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008.

Số tiền phạt này được chính thức thông báo vào hôm qua sau nhiều tháng đàm phán. Sở Tư pháp Mỹ đã đâm đơn kiện lừa đảo dân sự với S&P từ 2 năm trước với những cáo buộc cơ quan này đã không thể cảnh báo cho các nhà đầu tư khi thị trường nhà đất sụp đổ vào năm 2006 và có hành vi đánh giá thiên vị không chính xác.

Cụ thể, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội S&P đã xếp hạng AAA (một trong những mức hạng tín dụng cao nhất) cho các trái phiếu có tài sản đảm bảo là các khoản nợ thế chấp có mức tín dụng xấu. Những trái phiếu này không hề là khoản đầu tư an toàn như cơ quan này đã đánh giá.

Chính phủ Mỹ cho rằng việc xếp hạng thiên lệch của S&P đã khiến các tổ chức tài chính trên thế giới đầu tư vào những sản phẩm tài chính “độc hại”, khiến họ thiệt hại nhiều nghìn tỉ USD.

S&P cũng bị cáo buộc đã không thể cảnh báo các nhà đầu tư về việc thị trường bất động sản toàn cầu sụp đổ vào năm 2006.

Trong quá trình điều tra, S&P thừa nhận đã “ vì lợi nhuận mà thiên vị trong việc xếp hạng tín dụng”.

S&P cũng  đồng ý rút lại những cáo buộc hành động của chính phủ là trả đũa cho việc cơ quan này hạ bậc tín dụng với Mỹ vào năm 2011.

S&P từng phản đối lại những cáo buộc này khi vụ kiện mới được đưa ra và gọi hành động của chính phủ là “không xứng đáng” và “hoàn toàn không đúng”. Cơ quan này từng khăng khăng những đánh giá của mình được đưa ra dựa trên sự xem  xét toàn diện về diễn biến của những khoản thế chấp nhà đất trong thời điểm hỗn loạn của thị trường.

“Thêm một lần nữa, các lãnh đạo của các doanh nghiệp đã lờ đi những nhà phân tích kỳ cựu khi họ cảnh báo rằng S&P- cơ quan đánh giá các sản phẩm tài chính, không hoạt động theo những chính sách minh bạch đề ra” , ông Eric Holder, bộ trưởng bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết “công ty của họ không chịu hạ bậc những tài sản hoạt động kém hiệu quả của mình bởi lo ngại ảnh hưởng đến danh tiếng và lợi nhuận kinh doanh”,  ông Holder bổ sung. “Việc che giấu cho các doanh nghiệp này có thể giúp S&P tránh khỏi việc làm mất lòng những khách hàng, tuy nhiên đem lại tổn thất to lớn cho nền kinh tế, góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính kinh khủng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái năm 1929.”

Việc điều tra cơ quan này chính là một trong những nỗ lực then chốt của chính phủ Mỹ nhằm tìm lời giải thích và nguyên nhân cấu thành nên cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008. Hiện giờ khi vụ kiện đã khép lại, chính phủ chuyển sang một bước mới gần hơn để  kết thúc việc điều tra nhiều năm về những sai phạm của Phố Wall trong cuộc khủng hoảng 7 năm trước.
 
Mức phạt khủng
 
Một nửa số tiền S&P phải trả (khoảng 687,5 triệu USD) sẽ được đưa đến 19 bang và quận Columbia của Mỹ.
Thứ 3 (3/2), S&P cũng đã thông báo sẽ trả 125 triệu USD cho Quỹ hưu trí Calpers để dàn xếp bê bối vì đã đánh giá sai 3 phương tiện đầu tư cấu trúc (SIV).

Trước đó, Sở Tư Pháp Mỹ đã từng yêu cầu mức phạt 5 tỉ USD từ S&P khi kiện công ty này vào tháng 2/2013. Số tiền phạt chốt lại là 1,38 tỉ USD vẫn thấp hơn lợi nhuận của cơ quan này vào năm 2013 là 2,27 tỉ USD.

Bên cạnh đó, hai “ông lớn” chuyên “cầm cân nảy mực” cho các sản phẩm đầu tư là tổ chức Dịch vụ Các nhà đầu tư Moody và cơ quan xếp hạng Fitch – cũng bị đổ lỗi cho việc châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bằng việc đưa ra những đánh giá “trên trời” cho những cổ phiếu có tài sản đảm bảo rủi ro cao. Việc đánh giá xếp hạng quá “dễ tính” đã khiến các ngân hàng lúc đó “đốt” nhiều nghìn tỉ đô la vào những cổ phiếu đầy rủi ro này.

Các chuyên gia cho rằng vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ với S&P có thể là tiền đề cho những diễn biến tiếp theo với Fitch và Moody.

Trước đó vào ngày 20/1 công ty xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng Standard & Poor’s (S&P) sẽ bị cấm thực hiện hoạt động xếp hạng trái phiếu trong một trong những hoạt động kinh doanh đem về nhiều lợi nhuận nhất. S&P cũng phải bỏ 60 triệu USD để giàn xếp với Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC).

Với lệnh cấm này, S&P bị cấm thực hiện hoạt động xếp hạng trái phiếu thế chấp bằng tài sản thương mại. Đây là thị trường mà S&P hoạt động sôi nổi nhất vì liên quan đến mọi thứ, từ các trung tâm thương mại đến các tòa nhà chọc trời, đến cả các chứng khoán được bán cho giới đầu tư trái phiếu.

Tú Anh (theo BBC/Bloomberg)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến