Dòng sự kiện:
Nhà đầu tư dự án BĐS của Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền đang 'ngồi trên lửa'
29/11/2023 10:47:19
Được hứa hẹn dự án có tiềm năng sinh lời ổn định hàng tháng, nhiều nhà đầu tư rót tiền vào. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án không được triển khai, công ty không còn hoạt động khiến nhà đầu tư như ngồi "trên đống lửa"

Nhà đầu tư lâm cảnh cùng cực

Những ngày qua, tại trụ sở Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền (14 Nguyễn Cơ Thạch, phường An Lợi Đông, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) xảy ra sự việc nhiều người dân căng băng rôn đòi quyền lợi. Theo đó, ông Đỗ Quốc Huy (là Giám đốc Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền), kêu gọi vốn đầu tư vào dự án cao ốc văn phòng và kinh doanh tài chính nhưng không thực hiện. Đáng chú ý, sau nhiều năm dự án không được triển khai, công ty này bất ngờ đóng cửa, không còn hoạt động, điều này khiến nhiều người dân như ngồi trên đống lửa.

Nhiều nhà đầu tư căng băng rôn đòi quyền lợi.

Trao đổi với PV, bà Hồ Thị Ngọc Tr. (58 tuổi, thường trú đường Lê Đức Thọ, phường 14, quận Gò Vấp, Tp.HCM), là nạn nhân của vụ việc trên chia sẻ, bản thân bà Tr. là một giáo viên đã về hưu. Bà thấy ông Huy là một người kinh doanh giỏi, lại là bạn thân với con trai bà nên tin tưởng vào lời mời gọi đầu tư mang lại lợi nhuận cao. Bà hy vọng số tiền 2 tỷ tích góp bao năm làm việc, đem đi đầu tư sẽ sinh lời để dưỡng già.

“Giờ đang tuổi hưu lại phải gồng gánh nuôi con bệnh, chính bản thân tôi cũng bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống lưng, bác sĩ có yêu cầu phải mổ nhưng đến hiện tại thì cô không có tiền để chữa bệnh. Giờ gia đình hoàn toàn bế tắc, cùng cực khi có nguy cơ mất hết tài sản vì không thể liên lạc được cho ông Huy”, bà Tr. ngậm ngùi.

Giống như bà Tr., nhiều người dân khác cũng là nạn nhân trong vụ việc nêu trên, đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn cùng cực vì tin tưởng vào lời mời gọi đầu tư sinh lời cao của ông Đỗ Quốc Huy.

Theo các người dân đã đầu tư vào công ty của ông Huy, ngoài hình thức huy động vốn bằng hình thức góp vốn vào xây dựng toà nhà văn phòng, ông Huy còn đứng ra huy động bằng hình thức vay tiền từ nhà đầu tư với lãi thoả thuận. Các hợp đồng có quy định thời gian hợp đồng, được quyền tất toán trước thời hạn khi báo trước 45 ngày. Trường hợp với các hợp đồng đã tới hạn mà muốn tái ký thì sẽ ký kết hợp đồng với thời hạn mới, số tiền gốc không rút ra mà đáo hạn trực tiếp bằng hợp đồng mới.

Sau khi vay tiền, ông Huy duy trì việc trả lãi đều đặn cho tới tháng 5/2023. Từ tháng 5/2023, lấy lý do sức khoẻ yếu cũng như việc vận hành khó khăn, ông Huy báo không có khả năng trả nợ.

Khởi tố nhiều giám đốc công ty kêu gọi góp vốn

Những đối tượng có dấu hiệu lừa đảo bằng thủ đoạn này thường núp dưới vỏ bọc là những doanh nhân giàu có, đi xe hơi sang trọng, đắt tiền, có mối quan hệ để chiếm đoạt tiền góp vốn đầu tư vào các dự án, kinh doanh không có thật. Vì vậy nhiều nhà đầu tư dễ dàng bị các đối tượng qua mặt, hệ lụy là nhà đầu tư có nguy cơ mất tiền tỷ, lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”, căng băng rôn đòi quyền lợi, khiếu kiện kéo dài. Vụ việc ông Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền, địa chỉ tại phường Thảo Điền) kêu gọi vốn đầu tư cam kết sinh lời cao nhưng không thực hiện, cũng là một trong những hình thức như trên.

Trụ sở công ty hiện nay đã đóng cửa từ lâu.

Hình thức lừa đảo này cũng đã được cơ quan Công an Tp.HCM nhiều lần cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác. Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM từng thông tin về vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi góp vốn xảy ra tại Công ty TNHH Một Thế Giới Lành Mạnh (viết tắt là Công ty OHW) và Công ty TNHH Lý Tưởng Thuận Lợi 3 Chìa Khóa.

Cũng một vụ việc tương tự, mới đây Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM cũng đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tp.HCM truy tố bà Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina, Đất Vàng Hoàng Gia) cùng 7 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc kêu gọi kinh doanh đầu tư và bán bất động sản không có thật cho hơn 500 người, chiếm đoạt số tiền lên tới 815 tỷ đồng.

Để có thông tin khách quan, đa chiều, PV Người Đưa Tin đến trụ sở Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền (14 Nguyễn Cơ Thạch, phường An Lợi Đông, Tp.Thủ Đức,Tp.HCM) để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, tại địa chỉ này căn nhà đóng kín của không có hoạt động hay người ra vào. Trao đổi với PV, một số người dân sống xung quanh căn nhà cho biết, trước đây tại căn nhà này có công ty do ông Huy làm giám đốc, nhưng từ lâu công ty này không còn hoạt động tại đây.

PV cũng liên hệ tất cả các số điện thoại mà người dân cung cấp cũng như các số điện thoại mà PV thu thập, được cho là của ông Huy. Tuy nhiên, các số điện thoại này đều không thể liên lạc được.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tín (Đoàn Luật sư Tp.HCM) cho biết, các đối tượng mở các công ty cổ phần với chiêu thức bán cổ phần, tuy nhiên người dân khi mua mua loại cổ phần này không hề có tư cách cổ đông, mà chỉ nhận về “giấy chứng nhận vốn góp”. Việc chuyển nhượng cổ phần cũng không đúng pháp luật, do đây không phải cổ phần ưu đãi cổ tức, cũng không phải cổ phần ưu đãi hoàn lại nhưng cam kết trả cả gốc và lãi khi đến hạn.

Thủ đoạn của các đối tượng này chỉ là lấy tiền của người sau trả cho người trước, các doanh nghiệp này có đặc điểm chung không hề phát hành trái phiếu do không có đủ điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định 183/2018/NĐ-CP, Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP mà thực hiện chiêu trò chuyển nhượng cổ phần để hợp thức hóa việc nhận vốn góp, vốn đầu tư, dễ dàng qua mặt những người thiếu hiểu biết pháp luật.

“Điểm chung của các nạn nhân sập bẫy hình thức lừa đảo này là thiếu hiểu biết pháp luật lĩnh vực góp vốn, đầu tư. Thêm vào đó, các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều nạn nhân muốn không phải làm gì nhưng hưởng lãi suất đầu tư lớn, các đối tượng cho nạn nhân ký vào các hợp đồng khống góp vốn kinh doanh, đầu tư nhưng thực chất không có bất kỳ hoạt động đầu tư kinh doanh nào…

Sau khi ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng đầu tư các đối tượng sau đó lấy tiền của người sau trả cho người trước trong thời gian đầu, nhưng một thời gian sau sẽ chiếm đoạt không trả mà viện nhiều lý do khác nhau. Có nạn nhân thì được các đối tượng dẫn đi xem các cơ sở kinh doanh, các dự án đầu tư. Nhưng do thiếu hiểu biết, nhiều người không nhận diện được tính pháp lý của cơ sở kinh doanh và các dự án này/ Thực tế, đó chỉ là các cơ sở kinh doanh do người khác sở hữu mà đối tượng “thuê tạm”, sau đó nói đây là cơ sở do mình sở hữu để tạo lòng tin cho các nạn nhân, các dự án thì chỉ trên giấy tờ khống, giấy tờ giả… Chuỗi hành vi trên nhằm tạo vỏ bọc và tạo sự tin tưởng từ phía nạn nhân để các nạn nhân “xuống tiền” đầu tư”, luật sư Tín cho hay.

Tác giả: Q.Lâm

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến