Dòng sự kiện:
Nhà đầu tư đua nhau chốt lời cổ phiếu ngân hàng
05/02/2024 08:03:53
Nhiều cổ phiếu ngân hàng xuất hiện trong nhóm ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số tuần qua. Áp lực chốt lời ngày càng mạnh mẽ khi các cổ phiếu đều tăng miệt mài suốt 2-3 tháng gần nhất.

Cổ phiếu ngân hàng đang bị chốt lời. Ảnh: Việt Linh.

Việc liên tục va chạm với mốc kháng cự 1.180 điểm khiến VN-Index gánh chịu nhiều áp lực bán trong tuần giao dịch vừa qua. Trong phiên 31/1, chỉ số VN-Index thậm chí thiệt hại hơn 15 điểm - mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái, để rồi thủng hỗ trợ và rơi xuống mốc 1.164,31 điểm.

Tuy nhiên, dòng tiền không có dấu hiệu bỏ rơi khi đỡ lấy thị trường trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 2. Kết thúc phiên cuối cùng của tuần, VN-Index thiệt hại tổng cộng hơn 3,1 điểm và lùi về mốc 1.172,25 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng rung trụ

Một trong những nguyên nhân đứng sau đà điều chỉnh của chỉ số là các cổ phiếu ngân hàng. Trong top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên VN-Index, nhóm ngân hàng đóng góp đến 6 cái tên gồm BID, VCB, VPB, TCB, SHB, CTG.

Việc dòng tiền thoái lui khỏi cổ phiếu ngân hàng là điều dễ hiểu khi nhóm này đã miệt mài tăng điểm từ những tháng cuối năm 2023 đến nay. Áp lực chốt lời đặc biệt rõ nét tại một số mã lập kỷ lục thị giá, điển hình như BID.

Sau khi đóng cửa ở mức cao kỷ lục 49.850 đồng/cổ phiếu tại phiên 19/1, mã chứng khoán đại diện ngân hàng BIDV liên tục điều chỉnh, ghi nhận tổng cộng 9 phiên giảm điểm và duy nhất một phiên phục hồi nhẹ. Tuần vừa qua, thị giá mỗi cổ phiếu BID thu hẹp 2.050 đồng xuống còn 46.900 đồng.

Hai cổ phiếu ngân hàng khác là TCB và VPB cũng bị chốt lời mạnh và có diễn biến giao dịch tương đồng BID.

Cổ phiếu BID giảm 5 phiên liên tiếp. Ảnh: DNSE.

Cổ phiếu VCB cũng điều chỉnh mạnh sau khi không thể phá vỡ kỷ lục thị giá. Tuy nhiên, trái ngược các mã kể trên, cổ phiếu VCB bắt đầu nhận được lực đỡ tại 2 phiên cuối cùng, qua đó phục hồi lên mốc 90.300 đồng/cổ phiếu. Chỉ cần một phiên tăng với biên độ 4%, mã này đã có thể tiến tới mức cao lịch sử.

Cổ phiếu HDB của ngân hàng HDBank là đại diện ngân hàng duy nhất xuất hiện trong top 10 bảo vệ chỉ số. Thực tế, cổ phiếu HDB đã tăng miệt mài kể từ giữa tháng 11 năm ngoái, đến nay, thị giá HDB đã tăng gấp đôi lên 22.350 đồng, đỉnh giá mới kể từ khi cổ phiếu nhà băng này niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Một mã khác là FPT cũng lập đỉnh mới khi cổ phiếu tăng mạnh lên mốc 102.000 đồng. So với đầu tuần, vốn hóa thị trường của FPT đã được nâng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng lên hơn 129.500 tỷ đồng.

Một cổ phiếu được khối ngoại gom 1.200 tỷ đồng

Tuần qua, khối ngoại chi hơn 1.300 tỷ đồng mua ròng trên quy mô toàn thị trường.

Trên thực tế, lượng giá trị mua ròng thời gian vừa rồi tập trung hầu hết tại cổ phiếu AIC của Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không trên thị trường UPCoM. Tại phiên 31/1, cổ phiếu này ghi nhận giao dịch thỏa thuận trị giá hơn 1.200 tỷ đồng với khối lượng 75 triệu đơn vị.

Trước đó, DB Insurance đã ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng 75 triệu cổ phiếu AIC, tương đương 75,18% vốn điều lệ của công ty này. Với khối lượng cổ phiếu bằng lượng mua dự kiến, DB Insurance nhiều khả năng đã hoàn tất thâu tóm hơn 75% vốn của Bảo hiểm Hàng không.

Ngoài AIC, cổ phiếu BSR và ACV được mua ròng mạnh nhất tuần vừa rồi trên UPCoM, lần lượt là 53 tỷ đồng và 21 tỷ đồng. Chiều ngược lại, cổ phiếu VTP của Viettel Post bị các nhà đầu tư nước ngoài chốt lời 28 tỷ đồng.

Trên HoSE, động thái mua bán của khối ngoại khá cân bằng. Theo đó, dòng tiền ngoại mua vào tổng cộng 292 triệu cổ phiếu và bán ra 286 triệu cổ phiếu, tương đương mua ròng 6 triệu cổ phiếu nhưng giá trị giao dịch ròng âm 14 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu VRE dẫn đầu danh mục bán ròng với giá trị 440 tỷ đồng. Động thái này xuất hiện trong bối cảnh thị giá VRE đứng trước nguy cơ xuyên thủng mốc hỗ trợ dài hạn và rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Đáng chú ý, khối ngoại miệt mài bán ròng mã này bất chấp doanh thu thuần của doanh nghiệp trong năm 2023 đạt 9.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.409 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 59% so với cùng kỳ năm 2022. Thậm chí, đây cũng là năm Vincom Retail ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục kể từ ngày được thành lập.

Hai cổ phiếu cùng “họ Vin” là VHM và VIC cũng góp mặt trong danh mục bán của khối ngoại, giá trị lần lượt là 157 tỷ đồng và 122 tỷ đồng.

Động thái chốt lời cổ phiếu ngân hàng cũng bắt đầu xuất hiện dần thông qua một số mã tiêu biểu như BID (-81 tỷ đồng) hay VCB (-56 tỷ đồng).

Dòng tiền ngoại cũng rút lui khỏi một số cổ phiếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống như như VNM (-323 tỷ đồng), KDC (-108 tỷ đồng) và SAB (-80 tỷ đồng).

Trái lại, cổ phiếu PNJ dẫn đầu giá trị mua ròng với 314 tỷ đồng. Hồi cuối tháng 1, PNJ công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần đạt 33.137 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2022 nhưng lãi ròng tăng 9% lên 1.971 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của PNJ.

Tiền ngoại còn chảy mạnh vào cổ phiếu thép với những HPG (+182 tỷ đồng) hay HSG (+145 tỷ đồng). Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng như PDR (+177 tỷ đồng), NVL (+81 tỷ đồng) và VCG (+98 tỷ đồng) cũng nhận được lực hỗ trợ tốt từ khối ngoại.

Trên sàn Hà Nội, khối ngoại chỉ mua ròng vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu IDC của Idico có giá trị mua vào đạt 55 tỷ đồng, chênh lệch đáng kể với các mã đứng sau như TNG (+23 tỷ đồng) hay MBS (+18 tỷ đồng). Mặt khác ở chiều bán, cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội bị chốt lời 81 tỷ đồng.

 Tác giả: Minh Khánh

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến