Dòng sự kiện:
Nhà đầu tư Mỹ có thể mất hàng trăm tỷ USD tại các công ty Trung Quốc
21/12/2020 14:49:41
Thông qua một mô hình đặc biệt, các nhà đầu tư Mỹ rót khoảng 700 tỷ USD vào hàng loạt tập đoàn Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đối mặt với rủi ro lớn.

Theo South China Morning Post, các nhà đầu tư Mỹ và Hong Kong cần cẩn trọng khi chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát những doanh nghiệp tư nhân lớn nước này.

Từ trước đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn hạn chế đầu tư nước ngoài trong một số ngành nhất định. Để "lách" luật và huy động vốn đầu tư từ thị trường nước ngoài, nhiều công ty Trung Quốc áp dụng "mô hình sở hữu đặc biệt" (VIE).

Theo ước tính, hơn 100 công ty VIE nắm giữ khoảng 4.000 tỷ USD vốn hóa trong chỉ số MSCI Trung Quốc. Báo cáo của chính phủ Trung Quốc hồi tháng 7 cho thấy riêng các nhà đầu tư Mỹ có thể sở hữu đến 700 tỷ USD giá trị cổ phiếu Trung Quốc.

Thông qua cấu trúc đặc biệt này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể ăn chia lợi nhuận với một số tập đoàn hàng đầu Trung Quốc - như Tencent Holdings và Alibaba Group Holding - trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất như thương mại điện tử, kinh tế số, truyền thông và giáo dục.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc thông qua mô hình VIE. Ảnh: SCMP.

Mô hình đặc biệt

Mô hình trên đã hoạt động trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, South China Morning Post nhận định vấn đề sẽ xuất hiện khi chính quyền Trung Quốc thắt chặt quản lý với các tập đoàn lớn như Ant Group. Hồi tháng 11, đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group bất ngờ bị hoãn. Cùng với đó là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi.

“Nếu các cơ quan chức năng (đột ngột) không đồng ý và có động thái đối với mô hình VIE, hậu quả có thể rất đáng kể", ông Bruce Pang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chiến lược và Vĩ mô tại hãng China Renaissance, bình luận. "Điều đó sẽ khiến các doanh nghiệp VIE bị đóng cửa và cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân vì thiếu vốn cần thiết", ông cảnh báo.

Trong năm qua, chính quyền Washington liên tục tạo áp lực lên các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Một số cơ quan quản lý Mỹ - bao gồm Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) - cũng bày tỏ mối lo ngại về cấu trúc VIE. Theo đó, "cấu trúc VIE của các doanh nghiệp Trung Quốc gây rủi ro đáng kể cho nhà đầu tư Mỹ".

Theo ông Pang, mục đích chính của mô hình VIE là "lách" các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực. Do đó, cấu trúc này sẽ "có những bất ổn đáng kể về mặt quy định".

Doanh nghiệp Trung Quốc này thuộc sở hữu hoàn toàn của một công dân Trung Quốc. Do đó, nó sẽ có tất cả giấy phép cần thiết để hoạt động. Thông qua đó, tổ chức nước ngoài có thể đầu tư vào ngành cấm đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.Cấu trúc VIE hoạt động dựa trên một mạng lưới thỏa thuận phức tạp. Một tổ chức nước ngoài (thường được thành lập tại những thiên đường thuế như Quần đảo Cayman) nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp Trung Quốc thông qua các thỏa thuận hợp đồng, thay vì sở hữu cổ phần trực tiếp.

Luật Đầu tư Nước ngoài mới nhất có hiệu lực vào đầu năm nay của Trung Quốc hoàn toàn không đề cập đến cấu trúc VIE. Điều này có nghĩa là cho đến nay, Bắc Kinh vẫn làm thinh về tính hợp pháp của mô hình VIE. Ngay cả khi pháp nhân trong nước vi phạm hợp đồng, không có gì đảm bảo rằng các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ thực thi nghĩa vụ pháp lý.

Tình thế thay đổi

Kể từ khi Sina Corp lần đầu thử nghiệm cấu trúc VIE và niêm yết thành công trên sàn Nasdaq hồi năm 2000, hàng trăm công ty Trung Quốc đã đi theo hướng tương tự. Hiện, tất cả công ty được niêm yết tại Mỹ thuộc Chỉ số MSCI Trung Quốc đều hoạt động theo cấu trúc VIE.

China Renaissance cho biết giá trị vốn hóa của 10 cổ phiếu VIE lớn nhất khoảng 2.300 tỷ USD, chiếm gần 50% trọng số MSCI Trung Quốc. Theo bài viết của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ được công bố hồi tháng 7, các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ có thể nắm giữ tới 700 tỷ USD giá trị cổ phiếu Trung Quốc, chủ yếu thông qua cổ phiếu VIE.

“Thật khó tin rằng khi các nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu của Alibaba trên sàn NYSE, họ hiểu rằng bản thân đang mua một công ty có trụ sở tại Quần đảo Cayman có mối quan hệ pháp lý phức tạp và lâu dài với một doanh nghiệp Trung Quốc”, các tác giả tại Đại học Harvard cho biết trong bài viết.

"Do đó, chúng tôi nhận thấy rủi ro này có thể đang bị các cơ quan quản lý đánh giá thấp. Nguyên nhân là quy mô của chúng không được thể hiện đầy đủ trong các thống kê", các chuyên gia nhấn mạnh.

Thống kê chính thức của Mỹ không coi các công ty tại Quần đảo Cayman là của Trung Quốc. Không những vậy, nhiều nhà đầu tư lẻ còn sở hữu cổ phần thông qua quỹ tương hỗ trong tài khoản hưu trí.

Khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington lao dốc không phanh trong năm nay, Mỹ thắt chặt quy định đến mức chưa từng có với các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo luật mới của Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể bị trục xuất khỏi sàn chứng khoán Mỹ nếu cơ quan quản lý tài chính Mỹ không thể kiểm tra kết quả kiểm toán của chúng.

Chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Chính quyền ông Biden có thể đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề đầu tư song phương, bao gồm cấu trúc VIE. "Tuy nhiên, thị trường đang kỳ vọng rằng tổng thống mới của Mỹ sẽ tạm thời xoa dịu mối quan hệ Mỹ - Trung sau khi nhậm chức", chiến lược gia Matt Gertken tại BCA Research bình luận.

"Khi chính quyền ông Biden quay lại đàm phán với Trung Quốc, sẽ có các cuộc thỏa thuận liên quan đến đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc về khả năng tiếp cận các lĩnh vực khác nhau, danh sách cấm, chuyển giao công nghệ và quyền của cổ đông nước ngoài", ông Gertken dự đoán.

Các thỏa thuận đặc biệt như mô hình VIE được tạo ra trong môi trường thương mại và đầu tư tốt trong 30 năm qua. "Nhưng bây giờ, sự ngờ vực và giám sát ngày càng nhiều, những thỏa thuận đặc biệt này không còn mang lại hiệu quả tốt nữa", ông Gertken nói thêm.

Tác giả: Thảo Cao

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến