Dòng sự kiện:
Nhà đầu tư ngoại tranh thủ 'săn' cổ phiếu vua
28/12/2020 07:19:58
Room ngoại tại các ngân hàng niêm yết không còn nhiều, nên nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ 'săn' cổ phiếu vua trước thềm ngân hàng niêm yết.

Chốt room ngoại trước khi lên sàn

Nhà đầu tư ngoại “âm thầm” nắm giữ gần 30% cổ phần của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) trước thềm nhà băng này niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Theo thông tin từ HoSE, hơn 1,17 tỷ cổ phiếu của MSB sẽ chính thức giao dịch trên HoSE từ hôm nay (23/12), giá tham chiếu là 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá thị trường của Ngân hàng thời điểm chào sàn khoảng 17.600 tỷ đồng.

Lý giải việc vì sao nhiều năm lỡ hẹn niêm yết trên sàn HoSE (bỏ qua UPCoM), ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, mục đích của Ngân hàng là chốt room ngoại trước khi đưa cổ phiếu lên sàn. Vì thế, việc phát hành thành công 15% vốn điều lệ cho Aozora Bank (AOZ-Nhật Bản) cuối tháng 6/2020, thu về 160 triệu USD chính là điều kiện đủ để OCB niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE.

HoSE vừa thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của OCB. Theo đó, OCB sẽ niêm yết hơn 876,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị thị trường theo mệnh giá là 8.767 tỷ đồng.

Trước đó, kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE đã được cổ đông của OCB thông qua trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, cũng như 2 năm trước. Theo ông Tuấn, chủ trương của Ngân hàng là niêm yết càng sớm càng tốt, nhằm nâng tính thanh khoản cho cổ phần, minh bạch hoạt động.

HoSE cũng cho biết, đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 456,4 triệu cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank). Vốn điều lệ của Ngân hàng tại thời điểm đăng ký là hơn 4.564 tỷ đồng. Trước đó, Nam A Bank đã đưa hơn 389 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM.

Nam A Bank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng có kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Theo thông tin từ lãnh đạo Nam A Bank, nếu kịp, Ngân hàng sẽ chốt room ngoại trước khi đưa cổ phiếu lên niêm yết sàn HoSE. Cổ phiếu NAB đang được giao dịch quanh mức giá 14.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 1.200 đồng/cổ phiếu so với mức giá 13.500 đồng/cổ phiếu khi chào sàn UPCoM đầu tháng 10/2020.

Trước OCB, MSB, thị trường tài chính cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ chốt room ngoại tại ngân hàng trong nước trước khi đưa cổ phiếu lên sàn HoSE như Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) bán 21% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thu về 300 triệu USD vào cuối năm 2017; Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) chốt room ngoại, thu về 370 triệu USD.

Còn nhiều thương vụ mới

Thời gian tới, thị trường hứa hẹn có nhiều nhà băng chốt room ngoại trước khi lên sàn. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã lấy ý kiến chốt room ngoại ở mức 30% để tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn vào đầu năm 2021 so với mức vốn 3.000 tỷ đồng hiện nay. Ông Ngô Quang Trung, Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết, Ngân hàng sẽ sớm nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh đầu tư công nghệ để đem lại tiện ích tốt nhất cho khách hàng.

Theo ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank, việc Ngân hàng chọn sàn UPCoM, thay vì lên thẳng sàn HoSE là để Ngân hàng có thời gian cọ xát với thị trường trước khi niêm yết và đó cũng là mong muốn của cổ đông. Thêm nữa, việc niêm yết trên sàn UPCoM cũng giúp cổ phiếu NAB tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế trên thị trường, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông. Đồng thời, Nam A Bank muốn chốt được room ngoại trước khi niêm yết.

Việc chốt room ngoại của ngân hàng trong nước được xem là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi đây là những ngân hàng còn nguyên room ngoại (tối đa 30% theo quy định hiện hành). TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư tại Dragon Capital cho rằng, sức hút cổ phiếu ngân hàng đang trở lại, trong đó có sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, bởi một số cổ phiếu “vua” đang được định giá thấp hơn so với giá trị thực.

Song không phải ngân hàng nào cũng còn room cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó cũng là một trong những hạn chế đối với cả nhà đầu tư và phía ngân hàng trong việc thu hút thêm vốn để đẩy mạnh chiến lược phát triển. Vì vậy, việc nhà đầu ngoại sở hữu gần tối đa room của MSB là thông tin khá bất ngờ, nhưng là tất yếu.

Trước đó, đầu tháng 11/2020, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ TNS Holdings (TN1) đã công bố Nghị quyết về việc tiếp tục nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phiếu MSB, với giá 23.000 đồng/cổ phiếu. Việc tăng sở hữu này tiếp nối động thái trước đó vào ngày 29/10, khi TNS Holdings đã nhận chuyển nhượng gần 21,8 triệu cổ phần MSB từ Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng TNCons Việt Nam, với tổng giá trị hơn 305 tỷ đồng.

Tác giả: Thùy Vinh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến