Nhà đầu tư xếp hàng để mua nợ xấu
13/09/2014 09:22:47
ANTT.VN Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SSI cho rằng “Rất nhiều nhà đầu tư muốn mua nợ xấu. Họ đang đánh giá cơ chế để đưa ra quyết định cuối cùng. Họ đang xếp hàng muốn đầu tư vào nợ xấu.”
 

Chia sẻ tại hội thảo “Gate way to Vietnam 2014” với chủ đề “Tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam” diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 11 - 12.2014, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SSI cho rằng "có rất nhiều nhà đầu tư muốn mua nợ xấu. Họ đang đánh giá cơ chế để đưa ra quyết định cuối cùng. Họ đang xếp hàng muốn đầu tư vào nợ xấu.”
 

Một trong những vấn đề được rất nhiều các nhà kinh tế quan tâm khi tham dự hội thảo đó là vấn đề mua lại nợ xấu từ VAMC.

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng phát biểu khai mạc "Gateway to Vietnam 2014" (Ảnh: internet)

Theo ông Hưng, trước hết phải nhìn nhận "Gateway to Vietnam" không phải là buổi tổng kết thị trường và dự báo thị trường tài chính - chứng khoán. Đây là hội nghị dành cho các nhà đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư gián tiếp. Có thể họ là những người muốn đầu tư lâu dài vào Việt Nam, muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư chiến lược hoặc đơn thuần chỉ mua bán cổ phiếu.

Hơn 600 đại biểu đại diện cho các quỹ đầu tư tìm cơ hội ở Việt Nam thông qua hội nghị này, trong đó đặc biệt họ được tiếp cận trực tiếp với 30 doanh nghiệp có tiềm năng ở Việt Nam.

Tất cả những người ngồi tại hội nghị "Gateway to Vietnam" sẽ vẽ được bức tranh tả thực. Không phải ai cũng nhìn thấy cơ hội từ triển vọng lạc quan vì trong số họ có thể còn muốn tình hình không thuận lợi để nhanh chóng mua được tài sản với giá rẻ.

"Khi các nhà đầu tư bay sang Việt Nam đã là bước một bước tiến rất dài về sự quan tâm tới thị trường Việt Nam. Công việc còn lại là chúng ta có mang đến cơ hội thực sự cho họ không", ông Hưng nói.

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo, vấn đề quan trọng nhất khi VAMC vận hành là tổ chức này phải bán được nợ xấu. Ông Darryl James Dong, đại diện Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, để giải quyết nợ xấu cần phải có nguồn lực thực sự cho công ty mua bán nợ. Đồng thời, việc chịu lỗ khi bán nợ xấu cũng là điều đương nhiên mà các nhà làm chính sách phải tính tới mới thu hút được người mua. Và khi xác định được quan điểm này thì việc xử lý nợ xấu sẽ không quá khó khăn.

Đại diện IFC nhìn nhận, sự ra đời của công ty mua bán nợ là một giải pháp trong xử lý nợ xấu, nhưng cần có sự hỗ trợ chi tiết và cụ thể trong việc xử lý các khoản nợ xấu mới thu hút được NĐT nước ngoài. Thực tế, giới đầu tư quốc tế khi tìm hiểu để mua bán nợ xấu thường đòi hỏi có thông tin rõ ràng để họ an tâm đầu tư. Nhưng yêu cầu này ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ thuộc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, trong khi các NHTM chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian qua thì tiến độ xử lý nợ xấu mới chỉ gói gọn trong VAMC hoặc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC). VAMC đã mua được hơn 50.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng, nhưng thực chất cũng chỉ mới chuyển nợ tạm thời từ các NHTM sang VAMC quản lý. Trong khi, điều quan trọng để xử lý nợ xấu là làm thế nào VAMC bán được nợ.

Theo các chuyên gia, rất khó để có ngay một thị trường chuyển nhượng cấp hai những tài sản liên quan đến nợ xấu nếu chưa có quy định sở hữu nhà cho người nước ngoài, bởi tài sản thế chấp cho các khoản nợ xấu chủ yếu là bất động sản. Do đó, cần có những chính sách mở hơn để thu hút NĐT nước ngoài vào thị trường mua bán nợ.

Chẳng hạn, đối với những dự án đang xây dựng dở dang, nhưng cạn vốn có thể cho phép thu hút vốn nước ngoài để hoàn thành dự án. Hoặc đang có những kiến nghị cho phép NĐT nước ngoài sở hữu bất động sản cũng là một giải pháp căn cơ. Sau đó, phải tăng quyền xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu cho VAMC, thay vì chỉ có thể chuyển đổi những khoản nợ như hiện nay.

Ông Cấn Văn Lực - hàm Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, trên thế giới các công ty quản lý tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu (AMC) được trao 2 đặc quyền quan trọng, đó là bán tài sản bảo đảm và được phép bổ nhiệm hoặc liên kết với cơ quan thực thi pháp luật để cưỡng chế, định giá thị trường tài sản bảo đảm. Vấn đề này đã được Chính phủ Việt Nam “bật đèn xanh” khi đã cho phép VAMC tiến tới định giá nợ xấu theo giá thị trường. Nhưng quan trọng hơn vẫn phải có nguồn lực tài chính thực để xử lý nợ xấu.

Theo ông Lực, vốn điều lệ của VAMC cần tăng lên 2.000 tỷ đồng, đồng thời tạo điều kiện để VAMC bán được nợ xấu bổ sung thêm tiền để mua nợ xấu mới. Đó là cách làm theo cơ chế thị trường chứ không phải chỉ sử dụng nguồn lực từ tiền ngân sách. Song, quá trình này cũng cần phải có thời gian.

Ông Lực cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay các NHTM đã trích lập dự phòng để tự xử lý nợ xấu được 33.000 tỷ đồng. Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch dẫn con số 210.000 tỷ đồng tổng nợ xấu đã được ngành Ngân hàng xử lý (tính đến cuối tháng 8/2014), còn khoảng 161.000 tỷ đồng bao gồm cả nợ xấu mới phát sinh. Tuy nhiên, theo TS. Lịch, tổng số nợ xấu hiện vẫn còn rất lớn và là nguy cơ ngày càng tăng đối với hệ thống ngân hàng khi nợ xấu vẫn còn tồn đọng.

“Theo mục tiêu của NHNN, đến năm 2015 sẽ kéo tỷ lệ nợ xấu xuống 3%. Nếu tập hợp các giải pháp đồng bộ như kích tổng cầu kinh tế, giảm lãi suất cho những đối tượng doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt; ngân hàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro; giảm bớt thủ tục hành chính để có thể phát mãi tài sản nhanh thì khả năng có thể thực hiện được mục tiêu”, ông Trần Du Lịch khẳng định.

Ninh Giang (tổng hợp)
 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến