Nhà mạng dùng đủ chiêu trò “móc” tiền 3G
15/04/2015 09:55:02
ANTT.VN – Trừ dung lượng nhanh, có dung lượng miễn phí không được sử dụng, thậm chí không đăng ký 3G vẫn bị trừ tiền. Những chiêu trò móc tiền khách hàng cảu các nhà mạng đang khiến dư luận rất bức xúc.

Tin liên quan

Chóng mặt vì tốc độ… trừ dung lượng 3G

chị Nguyên - chủ thuê bao số điện thoại 09181xxxx - cũng cho biết số điện thoại này thuê bao dịch vụ 3G với cước phí trọn gói 70.000 đồng/tháng. Thế nhưng ngày 12/4, sau khi nạp thẻ 200.000 đồng vô tài khoản, chị chỉ check mail trong vòng 10 phút thì số tiền trong tài khoản chính bị trừ gần hết, chỉ còn lại vài đồng.

“Vì sao đã đăng ký 3G gói cước Max trọn gói 70.000 đồng/tháng mà tôi vẫn bị trừ hơn 200.000 đồng?", chị Nguyên thắc mắc. Chị cũng cho biết mình không đăng ký sử dụng bất kỳ dịch vụ nào khác. Chị Nguyên cho biết mình hiểu rõ về gói cước Max mà chị đăng ký sử dụng.

Theo đó, với cước phí Max 70.000 đồng/tháng, khách hàng sẽ không bị giới hạn dung lượng sử dụng 3G mà chỉ bị giới hạn về tốc độ (sau khi dùng hết 600 MB đầu tiên có tốc độ tối đa thì tốc độ truy cập sau đó sẽ chậm hơn, về mức bình thường - NV).

Nhà mạng dùng nhiều chiêu "móc" túi khách hàng

“Tôi biết là khi hết gói tốc độ cao, thường nhà mạng sẽ nhắn tin nếu khách hàng muốn sử dụng thêm dung lượng với tốc độ cao thì nhắn tin đăng ký. Nhưng hôm đó tôi không đăng ký gì. Đến chiều cùng ngày khi có việc cần nhắn tin thì nhắn hoài không được. Tôi mở máy kiểm tra tài khoản thì tá hỏa vì số tiền không đủ cho một tin nhắn. Nhà mạng tính cước kiểu gì mà phần thiệt luôn thuộc về khách hàng”, chị Nguyên nói.

Anh T.Q.T, chủ thuê bao Vinaphone 0913195xxx, phản ảnh: “Tôi sử dụng gói cước 3G Max của Vinaphone từ nhiều năm nay, chất lượng thì chưa bàn đến nhưng không khi nào bị vượt dung lượng tốc độ cao. Vậy mà khoảng 1 tháng gần đây gói cước Max bị cạn dung lượng rất nhanh.

Ban đầu tôi mở một video clip trên YouTube để xem thì chỉ cần chưa đến 10 phút là hết ngay dung lượng, lập tức nhận được tin báo hết dung lượng tốc độ cao, đề nghị mua thêm gói khác.

Đến tháng sau chỉ một ngày sau khi gia hạn gói Max 70.000 đồng và nghe khoảng 5 bài hát trên mạng thì cũng bị báo hết dung lượng, đồng nghĩa với việc tôi đăng ký gói cước 1 tháng nhưng chỉ cần 1 ngày đã xài hết dung lượng.

Đáng nói là khi mua thêm gói cước giá lại lên đến 100.000 đồng nhưng thời hạn sử dụng chỉ đến cuối tháng chứ không phải 30 ngày tính từ lúc đăng ký tiếp”.

Một thuê bao khác là chị N.T.B, chủ thuê bao 0906279xxx, cũng cho biết: “Lâu nay tôi dùng gói cước Max 70.000 đồng của MobiFone. Bình thường chưa khi nào hết dung lượng tốc độ cao, nhưng 2 tháng gần đây dung lượng tốc độ cao cạn rất nhanh, khi hết dung lượng thì phải dùng 3G tốc độ thấp, nghe nhạc thậm chí còn không nổi.

Quá bực mình tôi đăng ký mua thêm gói 100.000 đồng nhưng cũng chỉ vài ngày lại hết sạch dung lượng. Tôi không biết nhà mạng trừ dung lượng theo cách nào và khách hàng không có cách gì để kiểm tra được”.

Có dung lượng miễn phí không được dùng

Không những trừ dung lượng chóng mặt, khách hàng còn bức xúc vì có dung lượng miễn phí mà không được sử dụng.

Một khách hàng của Viettel ở Hà Nội phản ánh, “Mình đăng ký gói Mimax 70.000 đồng/tháng. Sau đó, mình có đăng ký gói gọi 750 phút và 750MB dung lượng truy cập miễn phí. Khi gói Mimax hết dụng lượng truy cập internet tốc độ cao, mình nhận được tin nhắn “gợi ý” mua thêm dung lượng. Thắc mắc vì mình còn dung lượng miễn phí chưa sử dụng nên tôi đã gọi điện hỏi tổng đài. Sau đó một nhân viên của nhà mạng cho biết, do 2 gói cước khác nhau nên khách hàng không thể sử dụng số dung lượng miễn phí đó. Khi được hỏi tại sao không giải thích rõ ràng với khách hàng ngay từ đầu thì nhà mạng trả lời do thiếu sót. Rất bực mình nên sau đó tôi đã hủy sử dụng mọi dịch vụ của nhà mạng”.

Không đăng ký vẫn phải đóng cước

Có một thực trạng hiện nay là nhiều khách hàng dù không đăng ký sử dụng dịch vụ 3G nhưng hằng tháng vẫn bị tính tiền.

Theo thông tin trên báo Thanh niên, một khách hàng tên Thu tại TP.HCM cho biết, chị không hề đăng ký nhưng vẫn bị tính tiền dịch vụ GPRS lên đến gần 400.000 đồng/tháng. Khiếu nại thì chị được nhà mạng giải thích do khi khách hàng mở wifi nhưng sóng yếu, máy sẽ tự động chuyển sang chế độ tự kết nối GPRS. Vì vậy, khách cần phải nhắn tin hủy theo cú pháp của nhà mạng. Từ việc này, chị Thu mới biết thêm là điện thoại của mình đã được cài sẵn một số dịch vụ khác như chuyển cuộc gọi, giữ chờ cuộc gọi, nhận SMS khuyến mãi... và nếu không muốn sử dụng phải nhắn tin xin hủy. “Thật khó chịu, tại sao tôi không đăng ký sử dụng mà lại tính tiền rồi bắt tôi phải nhắn tin để hủy? Đáng lẽ các nhà mạng phải ra khuyến cáo khách hàng về các dịch vụ gia tăng để khách hàng hiểu rõ và có nhu cầu mới đăng ký sử dụng. Ngay cả chức năng tự kết nối GPRS cũng vậy. Điều này thật vô trách nhiệm với khách hàng”, chị Thu nói.

Một khách hàng khác là anh Vũ sang Mỹ từ ngày 10/2/2015, và chỉ dùng số máy này gọi cho người thân một lần để báo ra sân bay đón, sau đó tắt máy. Trong thời gian ở Mỹ, anh sử dụng máy mới và sim mới của Mỹ. Như vậy số điện thoại 090390xxxx luôn ở trong tình trạng tắt. Cho đến ngày 2/3/2015, khi quay trở lại VN anh Vũ mới sử dụng lại số máy này. Thế nhưng sau đó, hóa đơn tính cước của MobiFone gửi đến anh có số tiền lên đến hơn 11,15 triệu đồng, bao gồm tiền truy cập dữ liệu GPRS, EDGE...

“Ở VN, tôi không bao giờ sử dụng điện thoại để truy cập internet hay xem mail vì tôi không rành mấy thứ này. Tôi cũng chưa bao giờ bị tính tiền truy cập dữ liệu như thế. Bình thường tôi chỉ trả cước khoảng 200.000 - 300.000 đồng cho chi phí gọi thông thường. Vậy nên tôi không hiểu vì sao có mức cước phí cao như vậy? Tôi đã gửi thư khiếu nại lên MobiFone nhưng nhà mạng cho biết là phải chờ 2 - 3 tháng mới có câu trả lời chính thức.

Hiện nay, theo công bố của các nhà mạng, đơn vị lưu lượng tính cước tối thiểu là 50 KB, phần lẻ nhỏ hơn 50 KB cũng được tính tròn thành 50 KB. Nếu không đăng ký gói cước 3G nào thì mức phí mặc định là 75 đồng/50 KB. Nếu đăng ký các gói cước thông thường, khi hết dung lượng miễn phí tốc độ cao sẽ tính phát sinh cước ngoài gói là 75 đồng/50 KB. Dung lượng sử dụng được tính trên tổng dung lượng upload và download dữ liệu. Ngoài ra, có thêm một điều khoản bất lợi khác là dung lượng miễn phí của các gói cước đăng ký chỉ tính trong vòng 30 ngày sau khi đăng ký. Như vậy, nếu tháng trước khách hàng không sử dụng hết dung lượng trong gói đăng ký cũng không được chuyển sang cho tháng sau, nhưng khi vượt dung lượng cung cấp thì phải chịu tính thêm tiền. Đặc biệt, với cách tính cước mặc định 75 đồng/50 KB cho khách hàng không thuê bao gói (trả tiền theo dung lượng sử dụng thực tế) và 25 đồng/50 KB cho khách hàng thuê bao gói nhưng dung lượng vượt mức giới hạn; kèm theo cách tính block 50 KB + 50 KB thì khách hàng sẽ phải trả mức phí cao hơn rất nhiều so với cách tính cũ là cước vượt dung lượng 2,5 đồng/10 KB với cách tính block 10 KB + 10 KB.

Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến