Dòng sự kiện:
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 4 năm sau thảm họa
16/10/2015 16:05:08
ANTT.VN – Hơn 4 năm sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima I, các chuyên gia và kĩ sư Nhật Bản đang chạy đua với thời gian nhằm khắc phục sớm nhất những hậu quả còn lại..

Các chuyên gia TEPCO tại phòng điều khiển lò phản ứng số 1&2.

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) – tổ chức chịu trách nhiệm vận hành và bây giờ là tháo dỡ nhà máy điện Fukushima I cho biết họ đang gấp rút thực hiện những công đoạn cuối cùng để hoàn thành bức tường ngăn cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vào cuối tháng này, trong bối cảnh nước thải nhiễm xạ được ghi nhận đã rò rỉ ra biển chín lần từ đầu năm.

TEPCO hi vọng bức tường được xây dựng sẽ giảm bớt lượng nước ô nhiễm chảy ra bên ngoài. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I có 6 lò phản ứng, trong đó 4 lò từ 1-4 đều bị hư hại nặng, tất cả 6 lò phản ứng này đều bị đóng cửa sau thảm họa 2011.

Dưới đây là những vấn đề đáng quan tâm về thực trạng khu vực nhà máy điện nguyên tử Fukushima I, hơn 4 năm sau thảm họa kép sóng thần và hạt nhân năm 2011.

1.) Bước xử lý tiếp theo là gì?

Song song với việc xây dựng tường chắn nước thải, TEPCO đang củng cố hệ thống thoát nước nhằm tập trung tất cả nước thải từ nhà máy tới một kênh đào được bao phủ. Công việc này được bắt đầu hồi tháng 5, và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm sau.

2.) Quá trình dỡ bỏ nhà máy sẽ mất bao lâu?

TEPCO cho biết quá trình tháo dỡ, di chuyển và xử lý tổng cộng bốn lò phản ứng bị hư hại của nhà máy có thể mất từ 30-40 năm nữa.

Nhà máy Fukushima I ngày 11/3/2015, đúng 4 năm sau thảm họa.

3.) Xử lý thế nào với nhiên liệu đã qua sử dụng?

TEPCO cho hay công ty này hi vọng sẽ di chuyển được toàn bộ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 3 vào năm 2017, chậm hơn 2 năm so với ước tính ban đầu. Công đoạn này cũng sẽ được bắt đầu tại lò phản ứng số 1 và số 2 trong năm 2020.

Công ty này hiện đang tiến hành di dời những đống đổ nát xung quanh nhà máy.

“Ngay khi những đống đổ nát này được làm sạch và nước chảy vào các lò phản ứng được kiểm soát, các chuyên gia của chúng tôi có thể ra vào nhà máy với mức độ an toàn cao hơn”, Tatsuhiro Yamagishi, người phát ngôn của TEPCO cho biết.

4.) Tổng chi phí tháo dỡ nhà máy?

TEPCO ước tính rằng quá trình xử lý nước thải cùng ổn định các lò phản ứng sẽ ngốn tới 1 nghìn tỷ Yên (8,4 tỷ USD) trong 10 năm tới. Công ty này cũng đã phải chi ra gần bằng từng ấy tiền nhằm tháo dỡ và dọn dẹp phần còn lại của nhà máy kể từ đầu tháng 4 năm nay.

5.) Có bao nhiêu người đang làm việc tại khu vực này?

Gần 7000 công nhân hợp đồng cùng chuyên gia của TEPCO đang làm việc tại khu vực này tất cả các ngày trong tuần. 

Tóm tắt thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima I:

- 14:46 giờ địa phương ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter xảy ra khoài khơi vùng biển Đông Bắc Nhật Bản. Đây là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản và là một trong 5 trận động đất mạnh nhất thế giới mà con người ghi nhận được.

- Ngày 12 tháng 3, một vụ nổ lớn với nguyên nhân được quy cho sự tích tụ khí hydro đã thổi bay mái và tường ngoài nhà chứa lò phản ứng số 1, giải phóng một đám mây lớn bụi và hơi nước.

- Ngày 13 tháng 3, chính quyền Nhật thừa nhận lò phản ứng số 1 và số 3 có hiện tượng nóng chảy hạt nhân bên trong do nhiệt độ cao.

- Ngày 14 tháng 3, một vụ nổ xảy khác xảy ra tại lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima I. Bức tường bên ngoài của tòa nhà bị sụp đổ.

- Sáng sớm ngày 15 tháng 3, một vụ nổ lớn xảy ra tại lò phản ứng số 2 sau khi các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng được cho là nhô ra khỏi nước hoàn toàn, khiến chúng bị tan chảy và làm tổn thương mạch lò phản ứng.

- Ngày 15 tháng 3, mức phóng xạ ở Tokyo tăng lên 20 lần mức bình thường. Mức cao nhất trong vùng Kanto gấp 40 lần mức bình thường. Trưa cùng ngày, Nhật Bản đình chỉ mọi hoạt động tại nhà máy Fukushima I sau khi mức độ phóng xạ liên tục tăng lên, khiến những công nhân ở lại nhà máy có thể đối mặt với nguy hiểm.

- Ngày 5 tháng 5 năm 2012: Nhật Bản đóng cửa tất cả tổng cộng 54 lò phản ứng trên toàn quốc trước những phản ứng dữ dội chống lại năng lượng hạt nhân của người dân Nhật Bản.

N.Đ

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến