Dòng sự kiện:
Nhà Rông của người dân tộc Ba Na lên báo Mỹ
14/10/2015 16:42:07
ANTT.VN – Trang CNN của Mỹ hôm nay đã có một bài viết ca ngợi 3 công trình kiến trúc độc đáo của người dân tộc Việt Nam bao gồm nhà dài của người dân tộc Êđê, nhà rông của người Ba Na và nhà mồ của người dân tộc Gia Rai.

CNN viết, khi nói về các ngành thủ công truyền thống đặc sắc ở Việt Nam, những bộ trang phục rực rỡ của người H'Mông và người Dao Đỏ ở vùng núi phía Bắc nước này thường nhận được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, nếu thực hiện một chuyến hành trình khám phá nhỏ đến với vùng đất Tây Nguyên, khu vực giáp Lào và Campuchia bạn sẽ được nhìn thấy những công trình kiến trúc phi thường của người dân bản địa.

Dân tộc Êđê, Ba Na và Gia Rai, chỉ là ba trong số 53 nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam, với dân số khoảng từ 200.000 đến 300.000 người mỗi dân tộc. Khu vực sinh sống của họ là ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum, một khu vực mà đã bị hai cuộc chiến tranh thuộc địa với người Pháp và người Mỹ tàn phá. Tuy vậy, các nhóm dân tộc này vẫn lưu giữ và bảo tồn một cách mạnh mẽ được những lối sống theo tập tục truyền thống, với nhiều lễ nghi, phong tục thờ cúng thần linh cũng như các ngôi làng truyền thống.

Những ngôi nhà dài đặc trưng của người Êđê

Nhà dài tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 

Người Êđê ở Tây Nguyên sống theo chế độ mẫu hệ, do vậy khi một cô gái người Êđê kết hôn, một gian khác ngay trong nhà sẽ được xây lên cho cô và người chồng. Theo cách này, sự giàu có, thịnh vượng của một ngôi nhà sẽ được thể hiện rõ qua chiều dài của nó. Một số ngôi nhà của người dân tộc Êđê thậm chí có chiều dài lên đến 100m.

Nhà dài của người dân tộc Êđê có sàn thấp và được làm từ gỗ và tre, với hai cầu thang kép được chạm khắc từ thân gỗ tròn ở lối vào – một cầu thang được dành cho đàn ông đi và cái còn lại dành cho phụ nữ. Để tránh bị nhẫm lẫn, cầu thang dành cho phụ nữ được trang trí thêm bằng một hình tượng bộ ngực điêu khắc.

Bên trong nhà dài, không gian được phân chia thành khu vực sinh hoạt chung và các phòng riêng để ngủ. Khu vực sinh hoạt chung thường là nơi bận rộn với hoạt động dệt vải của những người phụ nữ – người dân tộc Êđê vốn nổi tiếng bởi các loại vải thổ cẩm và cách sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên – và hoạt động sửa chữa các vật dụng nông nghiệp của người đàn ông.

Người dân tộc Êđê sống chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là ở các khu vực xung quanh Buôn Ma Thuột. Những khách tham quan muốn tận mắt nhìn thấy bên trong những ngôi nhà dài có thể để đến Ako Dhong, một ngôi làng chỉ nằm cách thị trấn Buôn Ma Thuột vài km về phía bắc.

Những người dân thân thiện ở Ako Dhong thường sẵn lòng mời những người khách lạ mặt vào để tận mắt ngắm nhìn những kiến trúc ấn tượng của nhà dài, đồng thời khuyến khích họ mua một sản phẩm làm từ vải dệt thổ cẩm như một chiếc túi chéo vai hoặc ví.

Nhà rông –  Trung tâm của mỗi buôn làng

Nhà rông của người dân tộc Ba Na và Gia Rai 

Không kém phần ấn tượng như nhà dài của người dân tộc Ê đê, những ngôi nhà rông của người dân tộc Ba Na và Gia Rai cũng là các điểm tham quan có ý nghĩa biểu tượng khi đến với vùng đất Tây Nguyên.

CNN viết, ngay thời khắc bạn bước vào một ngôi làng của người Ba Na hay Gia Rai, mắt bạn sẽ bị thu hút ngay đến nhà Rông, ngôi nhà năm ngay trung tâm của mỗi buôn làng có độ cao thường từ 15 – 20 m, có khi lên đến 30m.

Nhà rông cao từ 15 – 20 m, có khi lên đến 30m

Cũng giống như nhà dài của người Êđê, lối vào nhà rông cũng là các bậc thang nghiêng làm bằng thân gỗ tròn với các bậc cầu thang được chạm khắc. Bên trong nhà rông có một sàn tre rộng rãi đủ để chứa tất cả người dân buôm làng.

Mái nhà rông được lợp bằng lá cỏ tranh.Trên đỉnh của các mái nhà rông được trang trí bằng các hoa văn độc đáo và với hình thù khác nhau đối với từng buôn làng.

Nhà rông là trung tâm của cuộc sống bản làng

Nhà rông là trung tâm của cuộc sống bản làng. Đây là nơi diễn ra các cuộc họp, giải quyết các tranh chấp và là cũng nơi diễn ra nhiều nghi thức, lễ hội của người dân Ba Na. Những lúc này, người dân địa phương tập trung ở nhà rông, mặc trang phục truyền thống, đánh cồng chiêng và hát.

Trên đỉnh của các mái nhà rông được trang trí bằng các hoa văn độc đáo và với hình thù khác nhau đối với từng buôn làng

Một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất của người Ba Na là lễ hội đâm trâu. Đây là lễ hội đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết cộng đồng. Cũng giống như người Ba Na, lễ hội đâm trâu của người Gia Rai cũng là một dịp lễ hội quan trọng.

Nhà mồ của người Gia Rai

Nhà mồ của người Gia Rai

Nhà mồ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nhà mồ là sản phẩm kiến trúc độc đáo được xây dựng từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của cả cộng đồng.

Các tượng gỗ là một điều không thể thiếu và tạo nên nét đặc sắc nhất cho các ngôi nhà mồ

Phần mái của ngôi nhà mồ cũng được trang trí bằng các hình thù độc đáo. Nhà mồ không chỉ mang tính tín ngưỡng lâu đời mà còn là một công trình nghệ thuật tổng hợp độc đáo.     

Phương Phương - Theo CNN 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến