Người ngoài nhìn vào thường nghĩ nhân viên ngân hàng… sướng.
Thu nhập bình quân vài chục triệu đồng/tháng
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của Techcombank cho biết, thu nhập bình quân nhân viên đạt 44 triệu đồng/tháng, tăng 7 triệu đồng/tháng so với năm 2020. Trong đó, tiền lương bình quân tháng tăng từ 30 triệu đồng/tháng lên 36 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2021, Techcombank đã chi hơn 6.365 tỷ đồng để trả lương và các chi phí liên quan (tăng so với 5.151 tỷ đồng năm 2020) cho 12.506 cán bộ, nhân viên ngân hàng và các công ty con (tăng so với 11.802 nhân viên năm 2020).
Tại MB, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho thấy, cuối năm 2021, ngân hàng này có 15.178 nhân viên, giảm nhẹ so với 15.208 nhân viên cuối năm 2020. Thu nhập bình quân nhân viên trong năm 2021 là 31,61 triệu đồng/tháng, tăng so với mức 28,93 triệu đồng/tháng năm 2020. Được biết, chi lương và các khoản đóng góp theo lương cho nhân viên năm 2021 của MB là 6.505 tỷ đồng, tăng 673 tỷ đồng so với năm 2020.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của ACB, Ngân hàng đã dành 1.967 tỷ đồng để chi lương và phụ cấp cho 11.772 nhân viên. Mức chi này tăng 214 tỷ đồng so với con số 1.753 tỷ đồng của năm 2020 với 11.267 nhân viên. Thu nhập bình quân mỗi nhân viên năm 2021 là 32 triệu đồng/tháng, tăng so với mức 26 triệu đồng/tháng năm 2020.
Đối với HDBank, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 thể hiện, Ngân hàng dành 3.412 tỷ đồng chi lương và phụ cấp cho nhân viên, tăng 213 tỷ đồng so với năm 2020. Tổng số nhân viên trung bình năm 2021 là 14.688 người, tăng 436 người so với năm 2020. Theo đó, thu nhập bình quân là 19,3 triệu đồng/người/tháng, tăng nhẹ so với mức 18,71 triệu đồng năm 2020.
Trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, lương và phụ cấp bình quân mỗi nhân viên tại Vietcombank năm 2021 dẫn đầu với 34 triệu đồng/tháng, tăng 2 triệu đồng/tháng so với năm 2020. Lương và phụ cấp bình quân mỗi nhân viên tại BIDV và VietinBank tăng hơn 2 triệu đồng/tháng, lần lượt đạt 28,5 triệu đồng/tháng và 27,5 triệu đồng/tháng.
Không phải ngân hàng nào cũng có thu nhập nhân viên tăng. Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của VIB thể hiện, Ngân hàng đã tăng chi phí cho nhân viên từ 3.232 tỷ đồng lên 3.593 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng nhân viên tăng gần 2.000 người, từ 7.950 người lên 9.949 người, phần nào khiến thu nhập bình quân mỗi người giảm từ 30 triệu đồng/tháng xuống 27 triệu đồng/tháng .
Đối với VPBank, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho hay, khoản chi lương và phụ cấp giảm từ 6.068 tỷ đồng năm 2020 xuống 5.615 tỷ đồng năm 2021. Điều này khiến thu nhập bình quân chỉ đạt 20,5 triệu đồng/tháng, giảm 0,5 triệu đồng/tháng, dù số lượng nhân sự giảm từ 24.037 người xuống 23.307 người.
Lương không phải là yếu tố giữ chân nhân sự
Theo báo cáo khảo sát lương 2022 vừa được Navigos Group công bố, nhân sự cấp trung ngành ngân hàng đang có mức lương trong Top cao nhất thị trường, với 5 phòng ban có dải lương cao nhất hệ thống.
Cụ thể, khối công nghệ thông tin được các ngân hàng sẵn sàng chi trả nhiều nhất với lương khởi điểm dành cho người mới ra trường/dưới 2 năm kinh nghiệm là 500 - 800 USD/tháng, còn giám đốc/trưởng bộ phận từ 7.000 - 25.000 USD/tháng.
Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, lương khởi điểm người mới ra trường/dưới 2 năm kinh nghiệm là 400 - 700 USD/tháng, còn giám đốc/trưởng bộ phận từ 7.000 - 20.000 USD/tháng.
Môi trường làm việc - đồng nghiệp, công việc ổn định và địa điểm làm việc là 3 yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động.
Ban kế toán/tài chính, lương khởi điểm người mới ra trường/dưới 2 năm kinh nghiệm là 350 - 500 USD/tháng, còn giám đốc/trưởng bộ phận là 6.000 - 20.000 USD/tháng.
Trong khối ngân hàng bán lẻ, mức lương khởi điểm người mới ra trường/dưới 2 năm kinh nghiệm là 300 - 500 USD/tháng, còn giám đốc/trưởng bộ phận từ 6.000 - 20.000 USD/tháng.
Tại bộ phận pháp chế và tuân thủ, lương khởi điểm người mới ra trường/dưới 2 năm kinh nghiệm là 800 - 2.000 USD/tháng, còn giám đốc/trưởng bộ phận từ 5.000 - 20.000 USD/tháng.
Trước đó, một báo cáo của công ty tư vấn nhân sự First Alliances cho biết, tài chính - ngân hàng vẫn là lĩnh vực có thu nhập cao nhất tại Việt Nam năm 2022. Có những vị trí nhận lương lên đến 40.000 USD/tháng, tức gần 900 triệu đồng/tháng như CEO, tương đương thu nhập từ lương cả năm có thể đạt hơn 10 tỷ đồng. Với vị trí giám đốc khối bán lẻ và doanh nghiệp, lương có thể đạt 30.000 USD/tháng tại TP.HCM, còn tại Hà Nội tối đa là 15.000 USD/tháng.
Cán bộ cấp trung của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn chia sẻ: “Ở vị trí trưởng phòng, thu nhập trung bình khoảng 60 triệu/tháng, nhưng làm việc quần quật gần như không có thời gian nghỉ. Điện thoại lúc nào ở chế độ sẵn sàng nghe 24/7. Một việc lãnh đạo giao, bất kể là đang nghỉ ốm, nghỉ phép cũng phải trả lời sau 2 tiếng. Nhiễm Covid-19, thậm chí bị tái nhiễm Covid-19 trong thời gian ngắn, mệt mỏi, đau đầu, đau họng… nhưng vẫn phải tham gia đủ các cuộc họp trực tuyến. Đây không phải là làm việc để sống, mà làm việc để… chết, nên tôi đã quyết định nghỉ việc, dù lãnh đạo ngân hàng động viên ở lại kèm một số chế độ đãi ngộ tốt hơn”.
Cán bộ cấp trung của một ngân hàng khác cho hay, do đặc thù là bộ phận kinh doanh nên mức độ cạnh tranh lớn, khiến môi trường làm việc có những “độc hại” nhất định khi đồng nghiệp không hỗ trợ, thậm chí sẵn sàng dùng tiểu xảo không chỉ sau lưng mà ngay trước mặt.
“Dù cố gắng tránh nhưng có lúc chính mình cũng ứng xử như vậy trở lại với đồng nghiệp. Sự biến đổi của cá nhân theo hướng xấu đi khiến tôi nhận thấy cần dừng lại”, vị lãnh đạo cấp trung nói.
Nhân viên pháp chế của một ngân hàng có vốn nhà nước chia sẻ: “Mọi người ở ngoài nhìn vào chắc nghĩ nhân viên ngân hàng sướng khi được làm việc tại những cơ sở vật chất hoành tráng, đồng phục đẹp đẽ…, nhưng chỉ có người bên trong mới thấu hiểu sự vật vã đến đâu. Chúng tôi thường động viên nhau, cố được đến đâu thì cố, không cố được thì nghỉ”.
Khảo sát lương 2022 của Navigos Group dựa trên ý kiến của hơn 6.800 người đang làm việc chủ yếu trong 27 ngành nghề cho biết, tiền lương không nằm trong 3 yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân sự.
Cụ thể, đa số người tham gia khảo sát lựa chọn môi trường làm việc - đồng nghiệp và công việc ổn định là 2 yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động, với tỷ lệ xấp xỉ 13% cho mỗi yếu tố, địa điểm làm việc đứng thứ ba (gần 12%), tiền lương xếp vị trí thứ tư (11%). Ngoài ra, có những yếu tố khác như thương hiệu công ty, cơ hội học tập và phát triển là những lý do giúp người lao động gắn bó với công ty.
Mặc dù tiền lương không nằm trong 3 yếu tố để giữ chân người lao động, nhưng đây lại là yếu tố quan trọng nhất khi họ quyết định chuyển việc, với 17% số người tham gia khảo sát lựa chọn yếu tố này. Theo sau là yếu tố môi trường làm việc - đồng nghiệp và các cơ hội học tập, phát triển, với tỷ lệ tương ứng là 12% và 11%.
Tác giả: Nhuệ Mẫn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy