Dòng sự kiện:
Nhân viên Hà Thành Ford dụ khách mua xe ngoài để ăn chênh 100 triệu đồng
06/08/2016 10:25:46
Sau hơn hai tháng ký hợp đồng với Hà Thành Ford để mua xe, dù đã đặt cọc đầy đủ theo yêu cầu và đồng ý gia hạn thêm thời gian giao xe, khách hàng vẫn không nhận được xe.

Tin liên quan

Không những thế, nhân viên của đại lý này còn gợi ý khách mua xe bên ngoài với số tiền chênh lên tới cả 100 triệu đồng so với giá niêm yết.

Ngày 26.5.2016, một đơn vị đã ký hợp đồng số 2605-03/2016/HĐMB-TG với Công ty CP Hà Thành Ô tô (Hà Thành Ford) để mua một xe ô tô Ford Everest 2.2 bản Trend với giá 1.249.000.000 VND (một tỷ hai trăm bốn mươi chín triệu). Ông Nông Văn Thương – Giám đốc Chi nhánh Mỹ Đình của Hà Thành Ford (số 2 Tôn Thất Thuyết) là người đại diện bên B đứng tên trong hợp đồng.

Theo đó, bên A - khách mua xe  - được yêu cầu đặt cọc trước số tiền 50.000.000VND (năm mươi triệu đồng) để đặt mua xe. Còn bên B (Hà Thành Ford) sẽ có trách nhiệm giao xe cho khách hàng vào thời gian (dự kiến) là tháng 6.2016.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như hợp đồng diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đến hết tháng 6.2016, xe mà khách hàng đặt mua vẫn chưa có. Nhân viên bán hàng của Hà Thành Ford liên tục xin lỗi và giải thích là xe chưa về để giao cho khách hàng theo đúng hợp đồng đã ký và xin gia hạn thời gian giao xe tới cuối tháng 7.2016.

Chi nhánh Mỹ Đình tại số 2 Tôn Thất Thuyết của Hà Thành Ford. Ảnh: H.P

Khách hàng dù khá thất vọng nhưng cũng đồng ý ký thêm vào phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian giao xe thêm 1 tháng nữa. Tuy nhiên, đến hết tháng 7, một lần nữa phía Hà Thành Ford lại cho biết không có xe để giao cho khách hàng với lý do bản Trend quá nhiều khách đặt và hàng không có đủ để phân phối về các đại lý.

Anh Nguyễn Nam (đại diện cho đơn vị mua xe của Hà Thành Ford) kể: Theo đúng điều khoản hợp đồng, chúng tôi đã nộp tiền đặt cọc và sẵn sàng chờ tới 2 tháng, với một lần gia hạn, nhưng cuối cùng câu trả lời vẫn là con số 0.

Trong lúc khá nản thì anh Nam được nhân viên bán hàng của Hà Thành Ford tư vấn là nếu đồng ý đổi sang mua bản Titanium (giá niêm yết là 1.349.000.000 đồng, cao hơn bản Trend 100 triệu đồng) thì sẽ có xe ngay.

Anh Nam mừng rỡ liền hỏi lại thủ tục lấy xe thì được nhân viên này giải thích kỹ hơn: Vì hiện tại Hà Thành Ford không có xe Ford Everest 2.2 bản Titanium nên nếu khách hàng muốn lấy thì phải thêm 100 triệu đồng tiền chênh bởi anh ta phải lấy hàng từ một công ty khác (?). Xe sẽ có ngay lập tức sau khi giao tiền!

Anh Nam thắc mắc với số tiền chênh lớn như vậy so với dự toán ban đầu (chênh 200 triệu đồng), đơn vị của anh sẽ phải tính toán lại ngân sách. Anh Nam cũng hỏi thêm là nếu đồng ý mua, số tiền chênh có được tính vào hóa đơn mua xe hay không thì được nhân viên này giải thích: Trong hóa đơn xuất cho khách hàng, đại lý sẽ chỉ ghi đúng giá niêm yết của xe Ford Everest bản Titanium là 1.349.000.000 đồng. Còn số tiền 100 triệu đồng chênh chỉ có phiếu thu cho khách, với nội dung là lắp thêm phụ kiện cho xe. Đương nhiên là sẽ chẳng có thêm phụ kiện nào.

Lý giải về tình trạng này, một chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực mua bán ô tô cho biết: Đây là chiêu trò “ăn tiền” khá phổ biến của dân bán xe hiện nay, và cũng là chiêu trò của nhiều đại lý, cửa hàng bán ô tô: Đó là họ lợi dụng tình trạng khan hiếm xe để dụ khách, đặc biệt là những khách đang có nhu cầu mua xe gấp, phải trả thêm tiền chênh để lấy xe nhanh.

Nhưng đôi khi, một số đại lý tự tạo ra tình trạng khan hiếm xe giả tạo để ăn tiền chênh của khách bằng cách “tuồn” xe mà đại lý đó được hãng phân về cho một số công ty là “sân sau” của người trong đại lý, rồi môi giới, dẫn dụ khách mua xe với giá chênh từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng. Số tiền này ít khi có hóa đơn chứng từ mà được “hợp thức hóa” bằng hình thức “phiếu thu lắp thêm phụ kiện cho xe”.

Khảo sát của PV đối với Thăng Long Ford cũng cho thấy tình trạng tương tự. Nhân viên kinh doanh ở đây cũng khẳng định nếu muốn lấy xe Ford Everest 2.2 bản Titanium thì khách cũng phải chịu tiền chênh 100 triệu đồng.

Sau khi được PV phản ánh về tình trạng môi giới xe bên ngoài để ăn chênh giá của nhân viên bán hàng tại Hà Thành Ford, một cán bộ phụ trách truyền thông của Ford Việt Nam khẳng định “hành vi này không được Ford Việt Nam cho phép, đây có thể là hành vi trục lợi của cá nhân nhân viên bán hàng”. Vị này cũng cho biết “sẽ có ý kiến với Hà Thành Ford để xử lý và chấm dứt tình trạng này, bảo vệ uy tín của Ford Việt Nam”.

 Hợp đồng mua bán dồn bất lợi cho khách hàng

TS. Luật sư Vũ Thái Hà (Công ty luật TNHH YouMe) phân tích: Hợp đồng mua bán xe ô tô mà Công ty Cổ phần Hà Thành ô tô sử dụng để ký với khách hàng có khá nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng nhưng thường thì khách hàng vì mong muốn sớm có xe nên thường không để ý hoặc bỏ qua những điều khoản này. Ví như thời hạn giao xe được quy định trong hợp đồng chỉ là thời hạn dự kiến, không có ngày giao xe cố định. Hay việc phạt cọc chỉ quy định là nghĩa vụ đối với khách hàng (?)

Với các điều khoản này, khách hàng sẽ luôn là người chịu thiệt và bên bán xe luôn dễ dàng phủi trách nhiệm nếu không có xe giao cho khách hoặc khi họ không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Tuy nhiên, theo TS. Luật sư Vũ Thái Hà, dù trong hợp đồng không có quy định về việc phạt cọc đối với bên B (đại lý bán xe), nhưng trong trường hợp Hà Thành Ford vi phạm hợp đồng khi không có xe giao cho khách, khách hàng vẫn có thể căn cứ vào quy định tại Điều 358 của Bộ luật dân sự về đặt cọc để yêu cầu Công ty Cổ phần Hà Thành Ô tô phải trả lại tiền cọc và một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặc cọc, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.

Theo Dân Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến