Tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản tham gia tìm kiếm 2 trực thăng gặp nạn tại vùng biển phía Đông đảo Torishima thuộc quần đảo Izu, ngày 21/4. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Liên quan đến vụ 2 trực thăng của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) gặp nạn khi đang tham gia diễn tập ở khu vực quần đảo Izu, phía Nam Tokyo, tính đến sáng 22/4, công tác tìm kiếm 7 nạn nhân mất tích vẫn đang được khẩn trương tiến hành.
Trả lời trước báo giới chiều ngày 21/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết đây là một vụ tai nạn đáng tiếc và việc thu thập, phân tích thông tin sẽ được tích cực triển khai để làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn.
Ông Kihara cũng nhấn mạnh đã chỉ đạo siết chặt việc quản lý an toàn của các chuyến bay huấn luyện và hiện Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản đã tạm dừng các chuyến bay huấn luyện đối với khoảng 80 máy bay mà lực lượng này sở hữu.
Cùng ngày, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản Ryo Sakai cho biết một ủy ban điều tra đặc biệt nguyên nhân vụ tai nạn sẽ được thành lập. Ông Sakai cũng đã hủy tham dự một hội nghị quốc tế của người đứng đầu lực lượng hải quân 29 quốc gia được tổ chức tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc để tập trung chỉ đạo cứu hộ cứu nạn.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một số chi tiết của máy bay như cánh quạt và mũ bảo hộ của các thành viên phi hành đoàn đã được trục vớt ở vùng biển xung quanh khu vực xảy ra sự cố.
Máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) đã được tìm thấy và đang được phục hồi để phân tích thông tin. Đáng chú ý, vị trí thu được của cả hai FDR ở khá gần nhau nên khả năng cao là hai máy bay đã va chạm với nhau trong quá trình huấn luyện.
Theo Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, 2 trực thăng đã gặp sự cố khi đang thực hiện công tác huấn luyện tác chiến phát hiện tàu ngầm vào ban đêm trên vùng biển phía Đông đảo Torishima thuộc quần đảo Izu cách Tokyo khoảng 600km về phía Nam.
Hiện tại, khoảng 10 tàu và 5 máy bay của Lực lượng Phòng vệ cùng 1 tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang khẩn trương tìm kiếm những người mất tích còn lại. Với độ sâu tại khu vực xảy ra sự cố là 5.500m, công tác trục vớt máy bay được xem là gặp nhiều khó khăn kể cả trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Trực thăng SH-60K là loại trực thăng tuần tra được biên chế trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản từ năm 2005, có chiều dài 20m, chiều rộng 16m với tốc độ tối đa là 260km/h và phi hành đoàn gồm 4 người.
SH-60K chủ yếu hoạt động từ các tàu hộ tống và được trang bị các thiết bị đặc biệt giúp phát hiện hoạt động của tàu ngầm đối phương./.
Tác giả: Phạm Tuân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy