Dòng sự kiện:
Nhật - Hàn tiếp tục bất đồng về lá cờ 'Mặt trời mọc'
21/10/2018 21:38:51
Bất đồng về cờ hiệu hải quân của Nhật Bản vẫn tiếp tục được nhắc lại trong cuộc họp giữa lãnh đạo bộ quốc phòng nước này với người đồng cấp phía Hàn Quốc bên lề ADMM+ lần 5.

“Không may rằng Lực lượng Phòng vệ Trên biển của Nhật Bản (JMSDF) phải hủy kế hoạch tham gia tập trận vì yêu cầu không thể chấp nhận được từ phía Hàn Quốc”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya ngày 20/10 nhắc lại quyết định rút khỏi sự kiện duyệt binh hải quân quốc tế ở Hàn Quốc vào đầu tháng.

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo bày tỏ sự tiếc nuối khi các tàu chiến Nhật Bản cương quyết không tháo cờ hiệu “Mặt trời mọc”, theo Nikkei Asian Review.

Bộ trưởng Iwaya cũng chỉ trích rằng trong thời gian diễn ra sự kiện hải quân do Hàn Quốc làm chủ nhà từ 10-15/10, tàu chiến nhiều nước vẫn được phép treo cờ hiệu trong khi Nhật Bản lại bị đối xử khác biệt.

Cờ hiệu của của JMSDF có hình tròn đỏ ở giữa tượng trưng cho cho "Đất nước mặt trời mọc". Ảnh: JMSDF.

Trước đó vào tháng 8, Hàn Quốc đã yêu cầu hải quân các nước tham gia sự kiện duyệt binh quốc tế tại đảo Jeju chỉ nên treo quốc kỳ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản khi đó từ chối và cho rằng việc các tàu JMSDF treo cờ "Mặt trời mọc" là bắt buộc theo luật pháp nước này, đồng thời khẳng định lá cờ đã được thừa nhận bởi luật hàng hải quốc tế nhằm xác định tàu chiến Nhật Bản.

Lá cờ "Mặt trời mọc" từng được Nhật Bản sử dụng vào Thế chiến thứ 2, trong giai đoạn chiếm đóng trên bán đảo Triều Tiên. Nhiều người Hàn Quốc liên tưởng lá cờ trên với hình ảnh quân đội của đế quốc Nhật, gọi nó là "lá cờ tội ác chiến tranh".

Cả ông Jeong và Iwaya đều mới được bổ nhiệm vào các vị trí bộ trưởng Quốc phòng 2 nước lần lượt vào tháng 9 và tháng 10. Đối thoại bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Singapore ngày 20/10 là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa 2 tân bộ trưởng.

Dù vẫn còn nhiều bất đồng về ngoại giao, bộ trưởng 2 nước cam kết tiếp tục duy trì liên lạc cấp cao, phối hợp giải quyết các vấn đề cấp thiết như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo Zing.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến