Khả năng hoạt động liên tục phụ thuộc vào cơ quan có thẩm quyền
Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam vừa thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2024 của Nhiệt điện Phả Lại với vấn đề cần nhấn mạnh.
Đơn vị kiểm toán cho biết trong năm 2023, Nhiệt điện Phả Lại chịu mức nộp phạt hành chính về vi phạm môi trường cùng với hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ ngày Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ, đấu thầu giao nhiệm vụ, chỉ định đơn vị hoặc lựa chọn được nhà thầu khác cung ứng điện thay thế nguồn điện huy động từ Nhiệt điện Phả Lại.
Tại thời điểm Báo cáo tài chính bán niên năm 2024, Nhiệt điện Phả Lại đang thực hiện các biện pháp khắc phục và tiếp tục hoạt động sản xuất theo kế hoạch huy động nguồn điện cho năm 2024, khả năng hoạt động liên tục của Nhiệt điện Phả Lại phụ thuộc vào việc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án khắc phục vi phạm môi trường.
“Những điều kiện này cùng với các vấn đề khác trình bày tại thuyết minh số 2 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Nhiệt điện Phả Lại”, Kiểm toán Deloitte Việt Nam nhấn mạnh.
Được biết, trước đó trong năm 2023, Nhiệt điện Phả Lại đã có các hành vi vi phạm như thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải tại ống khói dây chuyền I.
Cụ thể, bụi tổng vượt 3,35 lần, SO2 vượt 2,37 lần, NOx vượt 1,11 lần, với lưu lượng 167.949 m3/giờ, theo quy định tại điểm v, khoản 5 và khoản 6, Điều 20 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Công ty còn thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải tại ống khói dây chuyền II.
Cụ thể, SO2 vượt 2,58 lần, NOx vượt 1,34 lần, với lưu lượng 331.700 m3/giờ, theo quy định tại điểm v, khoản 4 và khoản 6, Điều 20 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Với các hành vi vi phạm trên, C05, Bộ Công an đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại tổng mức tiền phạt hơn 3,92 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động của Công ty trong thời hạn 12 tháng.
Trái chiều lợi nhuận và dòng tiền trong nửa đầu năm 2024
Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận doanh thu đạt 4.465,31 tỷ đồng, tăng 64,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 251,23 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 4,4% lên 5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 86,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 103,64 tỷ đồng lên 223,13 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 21,1%, tương ứng giảm 30,55 tỷ đồng về 113,99 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 37,2%, tương ứng tăng thêm 17,37 tỷ đồng lên 64,04 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong nửa đầu năm 2024 mặc dù hụt doanh thu tài chính và tăng chi phí quản lý nhưng lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Phả Lại vẫn tăng 24,8%, nguyên nhân do doanh thu tăng và cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Trong năm 2024, Nhiệt điện Phả Lại đặt kế hoạch doanh thu 8.755,6 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 427,25 tỷ đồng, tăng 11,7% so với thực hiện trong năm 2023.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi trước thuế đạt 271,78 tỷ đồng, Nhiệt điện Phả Lại đã hoàn thành 63,6% so với kế hoạch năm.
Ngoài ra về dòng tiền, mặc dù lãi tăng nhưng trong 6 tháng đầu năm 2024, Nhiệt điện Phả Lại lại ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 16,08 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 465,49 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong kỳ, dòng tiền đầu tư dương 312,07 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm tới 305,79 tỷ đồng.
Được biết, Nhiệt điện Phả Lại đã trải qua hai năm dòng tiền âm liên tiếp khi năm 2022 ghi nhận âm 1.077,6 tỷ đồng và năm 2023 ghi nhận âm thêm 303,06 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2024, Nhiệt điện Phả Lại đã tăng tồn kho thêm 38,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 274,67 tỷ đồng lên 983,81 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 17,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 345,16 tỷ đồng lên 2.323,18 tỷ đồng …
Trong đó, Nhiệt điện Phả Lại thuyết minh thêm các khoản phải thu ngắn hạn tăng chủ yếu do phải thu của Công ty Mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi tăng thêm 442,3 tỷ đồng lên 2.305,2 tỷ đồng (đầu năm 1.862,9 tỷ đồng).
Như vậy, việc tăng tồn kho và các khoản phải thu, trong đó phải thu liên quan tới Công ty Mua bán điện dẫn tới việc Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm trong nửa đầu năm 2024.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy