Dòng sự kiện:
Nhiều Bộ nợ đọng văn bản, chậm cải cách
03/08/2018 21:00:19
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo các văn bản còn nợ đọng. Tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành

176 nhiệm vụ, 41 đề án quá hạn

Báo cáo số 290/BC-TCTTTg ngày 30/7/2018 về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết, 7 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 13.296 nhiệm vụ.

Trong đó có 5770 nhiệm vụ đã hoàn thành; 7350 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn; 176 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,9% tăng 0,3% so với tháng trước).

Về chương trình công tác, theo kế hoạch, 7 tháng có 195 đề án các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hết tháng 7, các bộ đã trình 154 đề án (đạt 79%), trong đó 56 đề án đã được ban hành (chiếm 36,4% số đề án đã trình); 41 đề án đã quá thời hạn chưa trình theo tiến độ.

Nợ 7 nghị định, 1 quyết định, 9 thông tư

Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, báo cáo cho biết: Hiện còn 7 nghị định và 1 quyết định cần ban hành thuộc trách nhiệm soạn thảo của các Bộ: KHĐT (2 nghị định); Tài chính (1 nghị định), Nội vụ (1 nghị định), LĐ-TB&XH (1 nghị định), NN&PTNT (1 nghị định), Ngoại giao (1 nghị định), VHTT&DL (1 quyết định).

Các bộ cũng còn nợ 9 thông tư, gồm: Công an (3 thông tư), Công Thương (2 thông tư), TTTT (1 thông tư), Tài chính (1 thông tư), Công an – VKSNDTC – TANDTC – Quốc phòng (1 thông tư liên tịch), Công an – VKSNDTC – TANDTC (1 thông tư liên tịch).

Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đạt thấp

Về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, báo cáo cho biết, “đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 616/9339 (mới đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của các ngành: Công Thương, TT&TT, Xây dựng, LĐ-TB&XH, KH&CN, Y tế.

Có 1249 danh mục (tương đương 13,3%) dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 6 bộ: Y tế, NN&PTNT, GTVT, TN&MT, VHTT&DL, Công an. Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành (kể các số đã cắt giảm và số lên phương án) đạt thấp so với yêu cầu đặt ra (19,9%).

Về đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đến nay đã chính thức cắt giảm được 900/5905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, GD&ĐT, TTTT.

Còn 2363 điều kiện kinh doanh (40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 Bộ: GD&ĐT, TTTT, Y tế, NN&PTNT, TN&MT, GTVT, LĐ-TB&XH, KH&CN, VHTT&DL, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng nhà nước.

Gấp rút hoàn thành dự thảo văn bản còn nợ đọng

Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Các bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình Chính phủ thông qua hoặc ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời chú ý việc soạn thảo, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực pháp luật trong thời gian tới, không để phát sinh nợ đọng mới.

Đề nghị lãnh đạo các Bộ dành thời gian thỏa đáng để giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là những ý kiến còn khác nhau trong quá trình xây dựng văn bản.

Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản.

Các Bộ, cơ quan tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao; quan tâm việc xây dựng và trình các đề án theo chương trình công tác, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Nhiều thủ tục, điều kiện còn phiền hà, tốn kém

Báo cáo của Tổ công tác cũng nêu rõ: Qua phản ánh của hiệp hội, doanh nghiệp, còn nhiều phản ánh về thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vẫn còn phiền hà, tốn kém thời gian và phát sinh chi phí. Các phương án cắt giảm được đưa ra nhưng chưa được áp dụng trên thực tế (ví dụ như phản ánh của công ty ở TPHCM, mặc dù  doanh nghiệp đã thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP nhưng lại vướng Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT nên hàng hóa vẫn lưu tại cảng hơn 80 ngày). Đề nghị các Bộ tập trung sửa đổi ngay các thông tư đồng bộ với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết: Tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa còn diễn ra ở nhiều nơi. Điển hình là phán ánh về 20 vụ việc tiêu cực đã được chuyển đến Bộ Tài chính xem xét xử lý theo thẩm quyền (công văn số 1629/VPCP-KSTT ngày 8/6/2018), trong đó phần lớn liên quan đến cán bộ, công chức hải quan nhận tiền bồi dưỡng trong quá trình thực thi công vụ, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát, kiểm tra và xử lý.

Tập trung cao độ xây dựng, ban hành các văn bản cải cách

Báo cáo đề nghị các Bộ quản lý chuyên ngành và điều kiện kinh doanh quyết liệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh. Thời hạn chậm nhất là 15/8/2018.

Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội./.

Theo VGP

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến