Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang đang mời các nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội đường Nguyễn Trọng Dân nối dài.
Dự án có diện tích xây dựng tối đa hơn 3.700 m2; cao 10 tầng, loại nhà chung cư, số lượng 540 căn. Quy mô dân số dự kiến 2.160 người. Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đến 17h chiều 13/11.
Nhà ở xã hội Đông Anh - Hà Nội đã triển khai nhiều năm nay (ảnh: Như Ý).
Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai cũng đang mời các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu dân cư giáp đường B6 kéo dài, phường Bắc Lệnh, TP Lào Cai.
Quy mô dân số dự án gần 5.590 người và tổng diện tích xây dựng 42.317m2 với 4 khối nhà ở xã hội cao tối đa 25 tầng, dự kiến cung cấp khoảng 2.192 căn hộ.
Trong đó, 3 khối nhà ở xã hội với quy mô 25 tầng, không có tầng hầm; dự kiến sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp khoảng 1.382 căn hộ. Một khối nhà ở xã hội với quy mô tối đa 25 tầng, có 1 tầng hầm, dự kiến cung cấp khoảng 810 căn hộ. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án ngày 18/11.
Tương tự, tại Đồng Nai, dự án khu chung cư nhà ở xã hội tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch với tổng mức đầu tư 2.028 tỷ đồng cũng đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh mời các nhà đầu tư đăng ký thực hiện.
Dự án này có diện tích khoảng 5,61 ha, đáp ứng quy mô dân số khoảng 5.600 người. Hiện trạng là khu đất tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Quy mô chung cư dự kiến xây dựng từ 6 - 9 tầng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng nhà ở xã hội để bán hoặc cho thuê, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án ngày 30/11.
Báo cáo quý III của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước có 19 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 18.752 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng, cụ thể như sau: Đã hoàn thành 5 dự án với quy mô 850 căn (bằng 176% so với quý II) tại Bắc Giang, Hà Tĩnh; khởi công xây dựng 2 dự án với quy mô 5.223 căn tại Thừa Thiên Huế với 1 dự án (723 căn); Bắc Giang 1 dự án (4.500 căn). Ngoài ra, cả nước có 12 dự án với quy mô 12.679 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.
Đáng nói là dù Hà Nội với nhu cầu nhà ở xã hội lớn nhất cả nước nhưng từ đầu năm đến nay chưa có dự án nào khởi công xây dựng. Dự án nhà ở xã hội Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) được triển khai cách đây 2 năm và là dự án duy nhất mở bán với hàng nghìn người tham gia bốc thăm để chọn hơn 100 căn. Nhiều người dân ngóng các dự án mới nhưng chưa thấy đâu.
Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo tại Hà Nội về nhà ở xã hội diễn ra để gỡ khó tăng cung cho phân khúc này nhưng đến nay chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nguyên nhân được chính các cơ quan chức năng cũng như chuyên gia chỉ ra rằng, vướng thủ tục dẫn đến các dự án dù đã có danh sách nhưng chậm triển khai.
Trên thực tế, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 của Hà Nội (đợt 1) với 8 dự án nhà ở xã hội, cung cấp hơn 5.500 căn hộ, tương ứng hơn 485.000 m2 sàn. Các dự án có tổng diện tích hơn 27 ha, tập trung tại quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức. Tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Phần lớn các dự án đang trong giai đoạn làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ các hình thức đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội; trong đó có cả hình thức Nhà nước đầu tư và huy động các nguồn lực thông qua huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các hình thức đầu tư khác.
Hiện các dự án nhà ở xã hội chủ yếu là huy động doanh nghiệp đầu tư, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà, bởi lợi nhuận mỏng, khó tiếp cận tín dụng cũng như quỹ đất.
Trước đây việc dành quỹ đất cho phát triển, đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu thực hiện trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Hiện nay, việc sửa đổi Luật Nhà ở được thực hiện theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình phát triển nhà ở.
Về vấn đề ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong giai đoạn vừa qua cũng đã có một số quy định rất rõ, như: Về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ vay vốn đầu tư. Thời gian tới, khi sửa Luật Nhà ở 2014 được thông qua, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ tích cực hơn.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, sau nửa năm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 83 tỷ trong tổng số 1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn. Theo Bộ Xây dựng, hiện có đã có 20 tỉnh, thành phố công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay là 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay là 1.229 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83,1/1.095 tỷ đồng. |
Tác giả: Ngọc Mai
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy