Theo Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm trong 3 tháng đầu năm duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực. Các chỉ số tăng trưởng đều trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 54.186 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; tổng tài sản ước đạt 729.096 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ 2022; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 596.163 tỷ đồng, tăng 20,9% so 2022.
Ba tháng đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục phát triển thị trường, mở rộng địa bàn, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chính sách bảo hiểm bắt buộc nhằm góp phần ổn định phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán đã phần nào phản ánh bức tranh chung của ngành trong những tháng đầu năm.
Là doanh nghiệp lớn trong ngành, Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) ghi nhận doanh thu hợp thuần đạt 9.846 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 546 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,4% và 6,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, chi phí bồi thường bảo hiểm gốc và chi trả đáo hạn tăng hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm hơn 43% tổng chi phí trực tiếp trong quý I.
Đáng chú ý, BVH ghi nhận lỗ gộp hơn 111 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 346 tỷ đồng. Điểm sáng là hoạt động tài chính tăng trưởng 33% lên 3.124 tỷ đồng; trong đó, lãi tiền gửi tăng mạnh hơn 800 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 2.016 tỷ đồng.
Lãi từ đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu chiếm tỉ trọng lớn thứ hai, đạt hơn 919 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ở mức 15%.
Ở chiều ngược lại, lãi đầu tư, kinh doanh chứng khoán từng chiếm tỉ trọng lớn thứ 3 trong cùng kỳ năm ngoái thì kỳ này sụt giảm gần 89% xuống 19,5 tỷ đồng.
Là công ty thứ 2 có lợi nhuận trăm tỷ đồng, Công ty Cổ phần PVI (HoSE: PVI) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.962 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 268,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 15% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của PVI bao gồm kết quả hoạt động từ các công ty con Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (PVI Insurance); Tổng Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re-insurance); CTCP Quản lý quỹ PVI (PVI AM); Quỹ đầu tư cơ hội PVI và Quỹ đầu tư hạ tầng PVI.
Trong quý này, mảng kinh doanh bảo hiểm vẫn là hoạt động cốt lõi của PVI, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.231 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch quý I. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng theo đó tăng lên 100 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch.
Ban lãnh đạo PVI cho biết, công ty đã có những cải tiến và lối đi riêng về dịch vụ, giải pháp quản trị và phương thức phân phối sản phẩm dù thị trường bảo hiểm năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức độ gia tăng về chi phí bồi thường và cạnh tranh giá phí trong nước cũng như quốc tế.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của PVI đạt 303 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái do được hưởng lợi từ việc mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức cao.
Theo PVI, thị trường tài chính đầu năm nay chứng kiến nhiều biến động về lãi suất, sản phẩm và tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhờ lợi thế dòng tiền trong những tháng đầu năm, tập đoàn đã tranh thủ được một lượng vốn đầu tư tương đối lớn với mức lãi suất ưu thế, đảm bảo cho khả năng sinh lời cao trong hoạt động đầu tư cả năm 2023.
Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare - HoSE: VNR) chứng kiến sự tăng vọt gấp 2,5 lần về lợi nhuận sau thuế, chạm mốc 209 tỷ đồng và hoàn thành 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ba tháng đầu năm, Vinare ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 27% lên 498 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt 733 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Phí nhượng tái bảo hiểm tăng 21% lên 303 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận 68 tỷ đồng hoa hồng và doanh thu khác.
Tổng chi hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Vinaretăng 22% lên 393 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 105 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý I/2023 Vinare ghi nhận doanh thu tài chính tăng trưởng gấp 3,5 lần cùng kỳ lên 150 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng 58% lên 12,2 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp hoạt động tài chính tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ lên 168 tỷ đồng. Cấn trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinare đạt 209 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) báo lợi nhuận sau thuế hơn 4 tỷ đồng, “bốc hơi” 75% so với cùng kỳ chủ yếu do lợi nhuận hoạt động tài chính giảm trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.
Trong kỳ, doanh thu phí bảo hiểm gốc của AIC giảm 19% so với cùng kỳ còn 534 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng 29% lên hơn 217 tỷ đồng dẫn đến doanh thu thuần bảo hiểm giảm 24%, còn hơn 436 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm mạnh hơn doanh thu, ghi nhận giảm 26% khiến lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm của AIC duy trì ở mức hơn 55 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lợi nhuận hoạt động tài chính giảm 26% xuống 12 tỷ đồng, chủ yếu do lãi kinh doanh chứng khoán giảm từ 6,7 tỷ đồng xuống gần 18 triệu đồng và cổ tức, lợi nhuận được chia giảm 97% xuống 151 triệu đồng.
Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18% lên 63 tỷ đồng nên dù lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm đi ngang, lãi sau thuế của AIC vẫn giảm đến 75% còn hơn 4 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Dự báo triển vọng năm nay, SSI Research cho rằng, tổng doanh thu phí bảo hiểm có thể đạt 256.000 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm ngoái. Ngoài động lực chính đến từ nhu cầu được phục hồi, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm có thể đến từ các yếu tố như mở rộng việc hợp pháp hóa giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử và hợp tác với các công ty insurtech (công nghệ bảo hiểm). Năm 2023, Bộ Tài chính dự báo thị trường bảo hiểm sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2022. Đối với công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính cho biết sẽ thực hiện cấp phép cho các chủ đầu tư đủ điều kiện để tham gia thị trường; tiếp tục thực hiện công tác quản lý, giám sát thị trường theo phương thức giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ. Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường; thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch được phê duyệt. |
Tác giả: Trần Thị Tú Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy