Bất cập khi cổ tức “treo” nhiều năm
Anh Tuấn, một nhà đầu tư ở TP.HCM cho biết, sau hơn 1 năm nay tạm dừng tham gia thị trường chứng khoán, giờ anh muốn quay lại, nên đến công ty chứng khoán mà mình mở tài khoản trước đây để mở tài khoản mới, với hy vọng sẽ có một năm đầu tư thành công hơn.
Thông thường, khi khách hàng yêu cầu đóng và mở lại tài khoản, công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ ngay lập tức nếu tài khoản đó không còn cổ phiếu. Tuy nhiên, việc đóng tài khoản của anh Tuấn không được thực hiện do tài khoản đang có cổ tức hơn 30 triệu đồng từ việc đầu tư cổ phiếu ACM (Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường), dự kiến thanh toán ngày 28/6/2024.
Anh Tuấn chia sẻ, anh không nhớ cổ tức ACM được chốt khi nào và vì sao anh có. Điều này cũng dễ hiểu, bởi từ ngày 20/6/2016, Tập đoàn Khoáng sản Á Cường chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền với tỷ lệ 2,5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 250 đồng và dự kiến thanh toán ngày 12/7/2016.
Mặc dù vậy, trong lần thay đổi thời gian thanh toán cổ tức gần nhất ngày 29/6/2023, Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã thông báo điều chỉnh lần thứ 9 thời gian thanh toán cổ tức đợt 1 năm 2015 từ ngày 30/6/2023 sang ngày 28/6/2024. Lý do được đưa ra là ảnh hưởng của đợt bùng phát Covid-19 từ năm 2020 đến nay và tình hình hoạt động sản xuất của Công ty bị đình trệ, do đó không đảm bảo nguồn tài chính để chi trả cổ tức đúng thời hạn.
Có thể thấy, đã hơn 7 năm chờ đợi từ ngày chốt danh sách 20/6/2016, cổ đông của Tập đoàn Khoáng sản Á Cường vẫn đang bị “treo” cổ tức và chưa hẹn ngày nhận cổ tức. Trong khi đó, theo quy định, ngay ngày chốt quyền, giá cổ phiếu trên sàn đã điều chỉnh giảm đúng bằng tỷ lệ cổ tức mà nhà đầu tư thực tế được nhận.
Như vậy, ngoài việc giá cổ phiếu giảm, không nhận được cổ tức, thì điều quan trọng là do ảnh hưởng của cổ tức bị “treo” trên tài khoản, nhà đầu tư không thể thực hiện được mong muốn chính đáng về việc đổi số tài khoản.
Không hiếm gặp
Thực tế, sàn chứng khoán không hiếm các doanh nghiệp tương tự Tập đoàn Khoáng sản Á Cường. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS) mới thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2016 (tỷ lệ 10%) và năm 2017 (tỷ lệ 10%) đến hết năm 2024, với lý do chưa đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông như đã thông báo. Đây là lần thứ 9 Sudico trì hoãn việc thanh toán cổ tức năm 2016 và là lần thứ 5 trì hoãn chi trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông.
Tương tự, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô (mã PFL) đã khất nợ cổ tức với cổ đông đến 15 năm, khi tiếp tục dời ngày thanh toán cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2010 từ cuối tháng 6/2023 đến cuối tháng 6/2025. Lý do được đưa ra là hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công tác thu hồi vốn, thu hồi nợ hay thoái vốn tại các dự án không đạt như kế hoạch đề ra. Công ty ưu tiên tập trung vốn để duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh và chưa cân đối đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức.
Công ty cổ phần Lilama 45.4 (mã L44) cũng thông báo dời việc thanh toán cổ tức năm 2012, 2013 bằng tiền từ ngày 29/12/2023 sang 31/12/2024 (thay đổi lần 9). Công ty cho biết, đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nợ tồn đọng tiền lương, người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm) với số tiền lớn, nên chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC, mã IJC) đã 2 lần liên tục kéo dài thời gian trả cổ tức. Trong đó, ngày 30/6, Công ty chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 14%. Theo kế hoạch ban đầu, Công ty trả cổ tức vào ngày 6/10/2023 nhưng đã đổi sang 20/12/2023, sau đó tiếp tục kéo dài sang ngày 31/1/2024, với lý do tình hình bán hàng bất động sản gặp nhiều khó khăn, thu hồi công nợ chậm.
Theo các chuyên gia tài chính, cổ đông có thể khởi kiện để yêu cầu công ty trả cổ tức, vì đây là một khoản nợ với nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có nhà đầu tư nào thực hiện điều này, vì cho rằng số cổ tức không nhiều, mất thời gian; cũng chưa có vụ án điểm vì hầu hết doanh nghiệp không trả cổ tức đều đang gặp khó khăn về dòng tiền, việc thực hiện nghĩa vụ nhà nước, trả lương cho nhân viên, trả nợ cho chủ nợ… vẫn được ưu tiên hơn so với cổ đông.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy