Mặt bằng đẹp, giảm giá sâu vẫn kén khách
TP HCM đã nới lỏng giãn cách được gần 2 tuần nhưng không khí kinh doanh trên địa bàn vẫn khá ảm đạm. Nhiều mặt bằng ở vị trí đất vàng, trung tâm thành phố vẫn chưa có người thuê, dù giá giảm mạnh.
Mặt bằng 2 tầng, rộng gần 100 m2 nằm ngay ngã ba Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Chiêm (quận 1) đang được rao cho thuê với giá 322 triệu đồng/tháng. Với vị trí nằm ngay phố hàng rong, sát bên Nhà văn hóa Thanh Niên, Diamond Plaza, Nhà thờ Đức Bà, thế nhưng nhiều tháng qua, mặt bằng chưa có khách chốt thuê.
Nhiều mặt bằng nằm ngay ngã ba, ngã tư ở trung tâm TP HCM chưa có khách thuê (Ảnh: Đại Việt).
Ông Lê Hùng - môi giới bất động sản tại quận 1 - cho biết mặt bằng nói trên chỉ giới hạn thời gian thuê từ 2 đến 3 năm khiến nhiều khách thuê e ngại. Ngoài ra, giá mặt bằng lên đến 322 triệu đồng/tháng nên không phải ai cũng trả được, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
Cách đó không xa, một mặt bằng nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai có diện tích 105 m2 cũng được chào thuê với giá 100 triệu đồng. Chủ nhà cho hay, họ đã giảm 50 triệu đồng/tháng so với bình thường, thế nhưng 3 tháng qua vẫn chưa có ai thuê.
Còn trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), một căn nhà 2 tầng có chiều ngang mặt tiền lên tới 15 m cũng chào thuê với giá chỉ hơn 80 triệu đồng/tháng. Đây là mức giá hấp dẫn mùa dịch bởi chủ nhà được cho là đã giảm hơn 30% so với trước.
Mặt bằng được giảm giá sâu nhưng vẫn vắng khách (Ảnh: Đại Việt).
Theo ghi nhận của Dân trí, nhiều mặt bằng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Thị Sáu (quận 3), Sư Vạn Hạnh (quận 10) đồng loạt treo bảng cho thuê với giá từ 70 triệu 100 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vào thời điểm dịch chưa bùng phát, để tìm được mặt bằng ưng ý ở những khu vực này không dễ.
Ông Huỳnh Văn Sơn - chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh cà phê - kể, vào năm 2019, ông rất thích một mặt bằng trên đường Sư Vạn Hạnh, nhưng do chậm chân đặt cọc khoảng vài tiếng đã có người thuê mất. Nhưng từ khi Covid-19 ập đến, ông Sơn nói mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.
"Hôm qua tôi đi ngang mặt bằng đó thấy họ treo biển cho thuê. Tôi hỏi thăm và họ báo giá chỉ 90 triệu đồng/tháng, trong khi trước đây, mọi người phải giành giật nhau để thuê với giá 130 triệu đồng/tháng" - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay, đa phần người kinh doanh và giới đầu tư đều gặp khó khăn nên việc thuê mặt bằng được tính toán rất kỹ lưỡng. Dù số lượng mặt bằng trống tại thành phố đang rất nhiều nhưng nhà đầu tư đều thận trọng.
Chủ nhà phải chiều lòng người thuê
Bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam - cho rằng chủ các mặt bằng tại TPHCM đang có chính sách tốt hơn cho khách thuê mới, như giảm giá 30-50% trong 3-6 tháng đầu tiên và chấp nhận thời gian sửa chữa, tu bổ mặt bằng kéo dài.
Với khách thuê hiện hữu, có chủ nhà cũng hỗ trợ rất tích cực như giảm giá đến 70%/tháng cho những điểm kinh doanh phải đóng cửa cho đến khi họ hoạt động trở lại.
Nhiều chủ nhà tại TP HCM đang áp dụng nhiều chính sách tốt cho khách thuê mới (Ảnh: Đại Việt).
Theo bà Trang, ngành dịch vụ kinh doanh ăn uống (F&B) là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất sau các đợt giãn cách xã hội. Thị trường đang tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những thương hiệu nổi tiếng, thu hút đông đảo khách hàng như Starbucks, The Coffee House…
Bà Trang nhận định, tiền mặt bằng là một trong những chi phí rất đáng kể của doanh nghiệp F&B, kế đến là chi phí nhân lực. Việc chuỗi cửa hàng trả lại một số mặt bằng kinh doanh không hiệu quả cũng là một chiến lược hợp lý. Doanh nghiệp đang cố gắng giữ được những mặt bằng kinh doanh hiệu quả để có thể cầm cự trong những tháng cuối năm.
Theo chuyên gia, đây chính là lúc doanh nghiệp cần phải ngồi lại và xem xét các chiến lược marketing, chuyển đổi giữa offline sang online, chuyển đổi về cách thức phục vụ khách hàng, chú trọng vào việc chăm sóc khách hàng, nâng cao những trải nghiệm của khách hàng đối với việc chuyển đổi số nhiều hơn.
Đánh giá về sự phục hồi trong 3 tháng tới, bà Trang cho rằng, cuối năm sẽ là thời điểm mà nhu cầu mua sắm, giao dịch của người dân tăng mạnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì việc chi tiêu của người dân cũng sẽ mạnh tay hơn để bù cho thời gian giãn cách vừa qua.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Savills, các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh dài hơn và hiệu quả hơn.
Trong thời gian qua, không chỉ nhóm dân số trẻ, mà ngay cả tầng lớp trung niên, cao tuổi cũng đã bắt đầu thích nghi với công nghệ trong việc mua bán online. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, bởi độ trung thành của họ sẽ giảm lại và họ dễ bị tác động bởi các thông tin, những đánh giá trên mạng.
Savills khuyến cáo, các thương hiệu cần phải chú ý đến việc thay đổi hành vi tiêu dùng với kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình. Cách triển khai cụ thể nhất chính là đưa ra những chiến lược marketing, chiến lược quảng bá, song song với đó là những chiến lược chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới.
Tác giả: Đại Việt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy