Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024. Kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2019, song vẫn chưa thể hoàn tất. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài của nhà băng này mới ở bước thuê tổ chức tư vấn.
BIDV cũng đã thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện chào bán thêm cổ phiếu tại phương án tăng vốn điều lệ năm 2023. Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông đã quyết định lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024.
Tương tự, theo kế hoạch tăng vốn năm 2023, BIDV còn kế hoạch phát hành thêm 455 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng, hoặc chào bán riêng lẻ. Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công.
Chủ tịch BIDV, ông Phan Đức Tú từng cho biết, Ngân hàng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này và hiện có một số nhà đầu tư tiềm năng quan tâm.
Đáng chú ý, theo nguồn tin từ Bloomberg, HDBank đang xem xét kế hoạch huy động 500 triệu USD thông qua bán cổ phần.
Thông tin tại cuộc gặp với các nhà đầu tư mới đây, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quan hệ đầu tư của HDBank cho biết, ngân hàng này đã có những chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn. "Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và Ngân hàng tìm được đối tác phù hợp", ông Hoàng Thanh Tùng thông tin.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để tìm nhà đầu tư phù hợp. Nam A Bank sẽ sử dụng room ngoại cho phép ở mức tối đa 20% đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nhằm thu hút thêm vốn ngoại.
“Niêm yết cổ phiếu NAB đánh dấu bước chuyển mình, giúp Nam A Bank thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục khẳng định hoạt động kinh doanh minh bạch, ổn định, giúp Ngân hàng sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại cổ phần bán lẻ hàng đầu Việt Nam, mang đến các giải pháp tài chính tốt nhất cho các khách hàng”, ông Tâm nói.
Trong khi đó, Chủ tịch SHB, ông Đỗ Quang Hiển từng thông tin với cổ đông rằng, nhà băng này sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, cổ đông SHB cũng đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Hồi tháng 7/2023, Reuters từng dẫn nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng này có thể đạt mức 2-2,2 tỷ USD.
LPBank đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT Ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược; hạn chế chuyển nhượng một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trước đó, hồi tháng 7/2023, HĐQT Ngân hàng SeABank cũng đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng, tối đa 3.503 tỷ đồng.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, ngân hàng có thể “mở cửa” chào đón thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược dài hạn trong thời gian tới. Theo ông Jens, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 22% cổ phần của Techcombank và nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu thêm 8% nữa tại nhà băng này.
Giới chuyên gia dự báo, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Dominic Scriven, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch điều hành Dragon Capital, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia ngân hàng Việt vẫn là việc hạn chế room cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng. Trong khi đó, không phải ngân hàng nào cũng còn nguyên room, do đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, nên cần xem xét nới room.
Tác giả: Thùy Vinh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy