Nợ xấu là câu chuyện không chỉ riêng ngân hàng nào. Nhiều nhà băng khác cũng phải rao bán các tài sản, khoản nợ giá trị lớn và rất lớn để thu hồi nợ.
Đáng chú ý, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối quý 1-2023 (so với 2% cuối năm 2022). Báo cáo tài chính quý 1-2023 cho thấy đa số các ngân hàng đều ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2022.
Tại một số ngân hàng như VietBank, ABBank, VIB…, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 3%.
Mới nhất, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm. Mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3/2023 là 582 tỷ đồng.
Nhà băng này cũng vừa rao nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến tháng 5/2023 là 1.016 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 633 tỷ đồng.
Tài sản đấu giá bao gồm Nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW; Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản là nhà và đất tại Gia Lai và Kon Tum...
Hồi tháng 5/2023, BIDV đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty CP năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với khởi điểm 325 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo bán hàng loạt khoản nợ xấu giá trị vài trăm đến nghìn tỉ đồng của doanh nghiệp.
Cụ thể, nhà băng này đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng. Còn khoản nợ 473 tỉ đồng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỉ đồng.
Tổng khoản nợ của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH kinh doanh địa ốc Anpha lên tới 670 tỷ đồng đang được Sacombank rao bán khởi điểm 145 tỷ đồng.
Sacombank cũng tiếp tục thông báo bán đấu giá không tách rời toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) theo nguyên trạng.
Tổng dư nợ tính đến cuối năm 2021 là 16.196 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỷ đồng.
Khoản nợ nêu trên phát sinh tại Sacombank và đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định. Giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc BIDV đánh giá như thế nào về rủi ro tín dụng và NH dự kiến trích lập dự phòng năm 2023 bao nhiêu, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú, cho biết thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có nhiều vấn đề làm cho chính sách của nhiều nước thận trọng hơn. Dự kiến cuối năm nền kinh tế sẽ dần ổn định lại, nhưng cũng gặp một số vấn đề DN thiếu đơn hàng, tổng cầu thấp trong nước và thế giới, tỷ lệ đòn bẩy của các DN lớn, áp lực dòng tiền lớn lên. Vì vậy, NHNN đã ban hành Thông tư 02 để hỗ trợ các DN và NH.
Xu hướng nợ xấu năm 2023 có khả năng tăng hơn năm ngoái. Kế hoạch của BIDV là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% (năm ngoái nợ xấu ở mức 0,96%) và trích dự phòng dự kiến khoảng 20.000-21.000 tỷ đồng. Mức trích lập thấp hơn năm ngoái vì NH đã trích và xử lý tương đối cho các khoản nợ tồn đọng trong năm 2022.
Năm nay, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 61.557 tỷ đồng thông qua 2 phương án.
Phương án 1 là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Cụ thể, NH dự kiến phát hành gần 642 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 12,69% với mệnh giá 10.000 đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập các quỹ hơn 6.419 tỷ đồng.
Phương án 2, NH tiếp tục thực hiện phương án đã được ĐHCĐ thường niên 2022 phê duyệt ngày 29/4/2022, sẽ phát hành thêm hơn 455 triệu cổ phiếu thông qua hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2023 dự kiến tăng trưởng 10-15% so với mức 23.009 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương khoảng 25.000-26.000 tỷ đồng.
"Tình hình nợ xấu của các ngân hàng thực sự rất đáng lo ngại", ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - nói với Tuổi Trẻ Online.
Ông Hùng nói sau hai năm COVID-19, doanh nghiệp vừa khởi động lại thì hứng chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới. Nhiều khách hàng phản ảnh thiếu đơn hàng, thậm chí không có, có doanh nghiệp phải bán tài sản để duy trì và cầm cự.
"Nhóm khách hàng đủ điều kiện vay rất ít, vì vậy có giảm lãi suất nữa cũng vẫn khó tiếp cận được vốn vay. Khoản nợ cũ cho dù được cơ cấu nợ cũng khó trả được nợ, chưa nói gì đến vay mới", ông Hùng cho biết.
Việc thanh lý tài sản cũng khó khăn. Rất nhiều khoản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại gần như đóng băng, theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng.
Bảo Khánh (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy