Dòng sự kiện:
Nhiều ngân hàng khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 2023
09/11/2023 11:11:52
Đến thời điểm này, không ít nhà băng vẫn chưa đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận, nên không dễ hoàn thành kế hoạch cả năm đã được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua.

Ảnh minh họa

Một số nhà băng chưa đạt 50% chỉ tiêu

Trong 28 ngân hàng đã báo cáo tài chính quý III/2023 được thống kê, có tới 8 tổ chức có lợi nhuận chưa vượt qua mốc 50% kế hoạch năm.

So với kế hoạch lãi trước thuế 1.275 tỷ đồng trong năm 2023, sau 9 tháng, VietABank mới thực hiện được 46%. Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng mới thực hiện được gần 44% sau chặng đường 9 tháng. Trong quý III/2023, NCB ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế giảm 47 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thu nhập lãi thuần trong quý III/2023 chỉ ghi nhận lãi 7 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) đánh giá, 2023 là một năm đầy thách thức với ngành ngân hàng, khi tình hình khó khăn ở trong nước và quốc tế khiến hoạt động kinh doanh, tiêu dùng sụt giảm, tăng trưởng tín dụng khó khăn, chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến gần cuối tháng 10/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ mới đạt mức tăng trưởng 7,1% (mục tiêu cả năm 2023 là 14%).

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, tình trạng “thừa tiền” khiến ngân hàng khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng vay vốn. Trong khi đó, số dư tiền gửi vẫn tiếp tục tăng, nhiều ngân hàng chưa thể cho vay lượng vốn đã huy động giá cao trước đó, tạo thêm áp lực trả lãi. Điều này khiến mảng kinh doanh cốt lõi của nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm trong quý III/2023, thậm chí trong cả 9 tháng đầu năm.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 chỉ tăng khoảng 5,2%. Bước sang năm 2024, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, thì tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng mới có thể khởi sắc, dự báo đạt 18,9%.

Nợ xấu tăng đòi hỏi dự phòng cao

Nguồn thu từ lãi và ngoài lãi giảm, trong khi đó, ngân hàng ngày càng phải bỏ ra nhiều chi phí để dự phòng rủi ro tín dụng trong bối cảnh nợ xấu tăng lên. Những khoản chi phí này đã “ăn mòn” trực tiếp vào lợi nhuận của các nhà băng.

Chẳng hạn, BVBank dành hơn 141 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng tính đến cuối quý III/2023 (tăng 15% so với cùng kỳ), nên lãi trước thuế sau 9 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 61 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2022.

ABBank chỉ thu được hơn 708 tỷ đồng lãi trước thuế sau 9 tháng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, do giảm thu nhập lãi thuần và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của ABBank giảm 20% so với cùng kỳ, còn 2.215 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 2,88% lên 3,51%. Vì thế, Ngân hàng phải dành ra gần 1.051 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 99% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank chia sẻ, bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của ABBank. Tuy vậy, Ngân hàng đang kiên trì từng bước cải thiện các mảng hoạt động, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, hướng tới thúc đẩy kinh doanh.

Trên thực tế, không chỉ có nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 (nợ xấu) tăng lên, nhiều ngân hàng còn xuất hiện tình trạng nhảy nợ nhóm 2. Chất lượng tài sản sa sút khiến chi phí dự phòng tăng vọt, ăn mòn lợi nhuận.

Trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) đều giảm mức độ kỳ vọng về kết quả kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. Cụ thể, 66,7 - 72,1% TCTD cho rằng, tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ của kỳ trước); 82,6% TCTD dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022; 13,8% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm; 3,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng, các ngân hàng đang rơi vào chu kỳ tăng trưởng âm, phải “gồng mình” để duy trì lợi nhuận. Theo ông Báu, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể giảm mạnh trong quý IV/2023 vì thu nhập không thể tăng trưởng, trong khi chi phí tăng cao, nhưng có thể kỳ vọng, ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại vào khoảng quý II/2024.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến