Dòng sự kiện:
Nhiều ngân hàng 'lỡ hẹn' niêm yết sàn chứng khoán
05/12/2019 15:29:29
Cho đến thời điểm hiện nay, mới có 18/31 NHTM đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên các sàn chứng khoán HoSE, HNX và UPCoM. Liệu rằng 'sức khỏe' các ngân hàng còn lại có đủ khi cứ 'nấn ná' chưa chịu lên sàn?

Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019 đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, việc bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) lên sàn là một trong các biện pháp nhằm thúc đẩy sự minh bạch của ngành và đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, Đề án yêu cầu đến hết năm 2020, các ngân hàng phải hoàn tất việc thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.

Theo đó, một trong các mục tiêu của ngành ngân hàng đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán, nghĩa là niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) hoặc Sở GDCK Hà Nội (HNX), mà không còn được đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trước đó, năm 2015, Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM vào cuối năm 2016. Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần có công văn nhắc nhở về chủ trương, lộ trình tất cả NHTM lên sàn, nhưng thực tế vẫn còn khá nhiều ngân hàng chưa thực hiện đúng theo lộ trình.

Với các nhà đầu tư, cổ phiếu ngành ngân hàng của Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, nhiều cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, trong những phiên cuối năm này, thị trường chứng khoán đang hồi phục về mức đỉnh nên sẽ là cơ hội để các ngân hàng niêm yết thu hút nhà đầu tư. Hơn nữa, trong bối cảnh các ngân hàng phải “chạy đua” để đáp ứng tiêu chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn theo quy định thì lên sàn sẽ là giải pháp hữu hiệu để tăng vốn.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn còn chậm trễ với kế hoạch lên sàn chính thức. Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín trở thành ngân hàng thứ 18 giao dịch trên sàn chứng khoán với mã VBB trên sàn UPCoM. Như vậy, nếu xét trong cả năm 2019 thì chỉ có mỗi ngân hàng này thực hiện việc đăng ký giao dịch chính thức. Các ngân hàng còn lại vẫn đang trong giai đoạn hoặc là khởi động, hoặc là xin phép hoặc vẫn chưa có kế hoạch lên sàn và đang giao dịch trên thị trường phi tập trung OTC. Nên trong mùa đại hội cổ đông vào tháng 4 vừa qua, nhiều ngân hàng đã đặt kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán như MSB, ABBank, OCB, Nam Á hay SeABank… vào cuối năm hoặc chậm nhất vào năm sau. 

Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 của ngành ngân hàng đang rất khả quan, phần lớn đều có lợi nhuận tăng trưởng khá. Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), ĐHCĐ của ngân hàng này đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào quý III/2019 nhưng đến nay khi đã bước vào quý IV mà chưa thực hiện, cho dù kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 của MSB khá tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 267%. Cụ thể, đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của MSB tăng 7,7% so với thời điểm cuối năm 2018, đạt hơn 148 nghìn tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng tốt đã đem về 2.041 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm, tăng 27,8 % so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, kết thúc kỳ 9 tháng, MSB đạt lợi nhuận trước thuế 1.064 tỷ đồng, tăng 267% so với cùng kỳ, riêng quý III đóng góp 497 tỷ đồng, tăng 2.223% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu vẫn được duy trì dưới 3% theo quy định.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng “rục rịch” kế hoạch lên sàn từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được. 

Tại kỳ đại hội năm nay, HĐQT OCB đã trình lên cổ đông thông qua việc gia hạn thời hạn về việc chốt danh sách cổ đông để làm thể tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên sàn.

Với OCB, Ngân hàng đã có kế hoạch niêm yết trong 2 năm qua sau khi trình cổ đông thông qua và tại kỳ đại hội năm nay, Chủ tịch HĐQT OCB - ông Trịnh Văn Tuấn cho hay, Ngân hàng sẽ niêm yết trên HOSE, bỏ qua bước lên sàn UPCoM. Do điều kiện thị trường cuối năm 2018 không mấy thuận lợi, OCB đã tạm hoãn lại kế hoạch này. Theo ông Tuấn, Ngân hàng sẽ xem xét tình hình để triển khai sớm kế hoạch niêm yết cuối năm nay.Tuy nhiên, trước khi niêm yết, OCB sẽ chốt tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Hiện room dành cho nhà đầu tư nước ngoại tại OCB còn khá lớn và hiện mới có một quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn Vina Capital nắm tỷ lệ 5% tại nhà băng này.

Dù cho biết sẽ lên sàn cuối năm nay, nhưng cho đến đầu tháng 11/2019, OCB vẫn chưa có động thái chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết. Về vấn đề này, lãnh đạo OCB cho biết, việc niêm yết phải chọn thời điểm thị trường thích hợp, đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho các cổ đông. Hiện cổ phiếu OCB giao dịch trên thị trường tự do ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh nhiều ngân hàng có “sức khỏe” tốt vẫn còn không ít ngân hàng còn vấn đề đáng ngại. Như tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank), dù lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đến cuối tháng 9 đạt 574 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, nhưng nợ xấu lại tăng tới 91% lên 1.496 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ có khả năng mất vốn) tăng vọt. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của NamABank tăng từ 1,54% hồi đầu năm lên 2,37% cuối tháng 9.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Nam A Bank trên sàn chứng khoán năm nay khả năng cũng bị lùi lại. Ngày 24/10/2018, Nam A Bank đã chốt danh sách cổ đông chuẩn bị lên sàn UPCoM. Nhưng ngay sau đó, HĐQT Ngân hàng ký thông báo gửi cổ đông về việc thay đổi ngày chốt danh sách. Đại diện Nam A Bank cho biết, sẽ thông báo ngày chốt danh sách cổ đông mới đến cổ đông trong thời gian sớm nhất.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, Nam A Bank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay. Tổng giám đốc Nam A Bank - ông Trần Ngọc Tâm chia sẻ, năm nay, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức và bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, tới thời điểm này, Nam A Bank chưa công bố có lộ trình niêm yết cụ thể.

Hay như tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital Bank), 9 tháng qua, ngân hàng này phải tăng mạnh chi phí hoạt động tới 27% so với cùng kỳ khiến cho tổng lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro đạt 100 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ còn 9 tháng giảm hơn 32% xuống 287 tỷ đồng. Sau khi trích lập dự phòng rủi ro khá mạnh, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III là 36 tỷ đồng còn 9 tháng ở mức 84 tỷ đồng, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước…

Với tình hình nêu trên, hiện một số cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết nhưng đã giao dịch trên sàn OTC vẫn ở mức khá thấp. Như cổ phiếu của ABBank đang giao dịch ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu, MSB là 10.200 đồng/cổ phiếu, NamABank là 8.000 đồng/cổ phiếu, SeABank là 10.000 đồng/cổ phiếu, Bảo Việt Bank là 6.600 đồng/cổ phiếu… nhưng lại có sức hấp dẫn khá lớn khi khối lượng giao dịch có thể lên tới 300.000 đơn vị. Vì thế, việc thúc các ngân hàng lên sàn cần phải được đẩy mạnh, để vừa minh bạch hóa hoạt động vừa giúp tăng sức mạnh cho các ngân hàng này.

Một số ngân hàng khác như VIB, LienVietPostBank…, lại muốn chuyển sang niêm yết trên HOSE thay vì niêm yết trên sàn HNX, hay đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, kế hoạch chuyển sàn cũng chưa có động tĩnh gì mới và khả năng khó kịp trong năm nay.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến