Cụ thể, nhiều ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.
Mức lãi suất phổ biến hiện nay dao động từ 6%/năm trở lên, tùy thuộc vào kỳ hạn và hình thức gửi tiền. Đơn cử như ABBank trả 6,3%/năm cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 tháng, trong khi IVB cũng áp dụng mức tương tự với các kỳ hạn dài.
SHB, Saigonbank và Oceanbank đều niêm yết lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn từ 36 tháng trở lên, trong khi DongA Bank trả mức cao nhất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi lớn từ 200 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng.
Các ngân hàng như Bac A Bank, HDBank và Nam A Bank cũng tung ra chính sách lãi suất hấp dẫn dành cho khách hàng có nguồn vốn lớn. Bac A Bank áp dụng mức 6,35%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng với số tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên. HDBank nổi bật với lãi suất đặc biệt lên đến 8,1%/năm tại quầy cho khoản gửi tối thiểu 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng.
Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm đã diễn ra từ nửa cuối tháng 4 và kéo dài đến nay, với làn sóng điều chỉnh lan rộng trở lại vào tháng 11.
Đáng chú ý, Agribank – một trong các ngân hàng thuộc nhóm Big4 – đã mạnh tay tăng lãi suất huy động, góp phần làm sôi động thêm thị trường. Theo thống kê, 13 ngân hàng đã tăng lãi suất từ đầu tháng 11, với nhiều đơn vị điều chỉnh liên tục để thu hút dòng tiền gửi tiết kiệm.
Với mức lãi suất từ 6%/năm trở lên, các ngân hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân mà còn tạo cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận cho tổ chức và nhà đầu tư có kế hoạch tài chính dài hạn./.