Dòng sự kiện:
Nhiều ngân hàng vẫn nấn ná kế hoạch lên sàn
14/06/2019 07:06:36
Không ít nhà băng lỡ hẹn niêm yết trong năm vừa qua và hứa hẹn sẽ lên sàn trong năm nay, nhưng với điều kiện là thị trường có diễn biến thuận lợi.

Hiện còn 14 trên tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Thời hạn lên sàn: cuối năm 2020

Trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019 đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường.

Trong đó, bắt buộc các ngân hàng thương mại cổ phần đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, Đề án yêu cầu đến hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng thương mại cổ phần phải niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung (niêm yết trên HOSE, HNX hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM).

Yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 8/2018. Theo Chiến lược đề ra, một trong các mục tiêu của ngành ngân hàng đến năm 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, năm 2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 180/2015/TT-BTC yêu cầu các công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực (1/1/2016) phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM trong năm 2016.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không bắt buộc phải niêm yết, nhưng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động cũng như các giao dịch mua bán cổ phiếu của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần có công văn nhắc chủ trương, lộ trình các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Hiện tại, có 17 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết, đăng ký giao dịch trên cả ba sàn chứng khoán là HOSE, HNX và UPCoM, với các mã chứng khoán: CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB. Con số trên chỉ tương đương hơn một nửa số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần trong hệ thống là 31 ngân hàng.

Chần chừ lên sàn vì thị trường chưa thuận lợi

Một số ngân hàng đã lên kế hoạch lên sàn trong năm qua, nhưng chưa thực hiện được như Phương Đông (OCB), Nam Á (Nam A Bank), Việt Nam Thương Tín (VietBank)... Hội đồng quản trị VietBank mới đây có thông báo đến cổ đông, gia hạn thời hạn lần 3 về việc chốt danh sách cổ đông để làm thể tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Tương tự, Nam A Bank chốt danh sách cổ đông ngày 24/10/2018 nhằm đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, nhưng sau đó thông báo thay đổi ngày chốt danh sách. Tổng giám đốc Nam A Bank Trần Ngọc Tâm cho hay, Ngân hàng sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong năm nay và bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại để tăng vốn. Hiện vốn điều lệ Nam A Bank là 3.353 tỷ đồng, Ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu.

Với OCB, Ngân hàng đã có kế hoạch niêm yết trong quý IV/2018, sau khi trình Đại hội đồng cổ đông thông qua. Thế nhưng, với điều kiện thị trường chứng khoán cuối năm 2018 không mấy thuận lợi nên nhà băng này hoãn lên sàn. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB chia sẻ, Ngân hàng sẽ xem xét tình hình để triển khai sớm kế hoạch niêm yết trong năm 2019, nhưng với điều kiện thị trường thích hợp.

Ngoài ra, một số ngân hàng trên UPCoM có kế hoạch chuyển sang sàn niêm yết HOSE như Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Quốc tế Việt Nam (VIB).

Thực tế cho thấy, sau “làn sóng” lên sàn đầu năm 2018 của HDBank, TPBank, Techcombank…, việc triển khai kế hoạch lên sàn của các ngân hàng dần trở nên im ắng. Giá cổ phiếu “vua” có diễn biến điều chỉnh và “hạ nhiệt” vào cuối năm 2018, đầu năm 2019, khiến nhiều nhà băng “chùn bước” trong kế hoạch niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu. Mặt khác, hồ sơ, thủ tục niêm yết của một số ngân hàng chưa được hoàn tất.

Trên sàn chứng khoán, nhờ kết quả kinh doanh khả quan, nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều thời điểm đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo giới phân tích tài chính, năm 2019, ngành ngân hàng phải đối mặt với không ít thách thức. Chẳng hạn, kế hoạch tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 14% trong năm nay sẽ phần nào ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các nhà băng khi tín dụng vẫn đang là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận chủ yếu.

Áp lực lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng chính là việc tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Một chuyên gia ngân hàng ước tính, số lượng cổ phiếu phát hành trong năm 2019 để tăng vốn lên tới 3 - 4 tỷ USD.

Số lượng cổ phiếu lớn phát hành ra thị trường sẽ pha loãng giá cổ phiếu và sự phân hóa cổ phiếu sẽ rõ nét hơn. Những ngân hàng tăng vốn thành công cũng như có doanh thu ngoài lãi tốt thì cổ phiếu sẽ thu hút được giới đầu tư, giá cổ phiếu có triển vọng tăng; ngược lại, giá cổ phiếu có nguy cơ giảm.

Về kết quả kinh doanh ước tính 6 tháng đầu năm, không ít ngân hàng đạt hoặc vượt 50% chỉ tiêu kinh doanh cả năm. Trong đó, tại Vietcombank, lãnh đạo nhà băng này cho hay, Ngân hàng đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2019 (20.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, mức lợi nhuận khả quan chủ yếu thuộc về các nhà băng quy mô lớn, hoạt động tốt.

Trong bối cảnh như vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa: tăng, giảm, hoặc đi ngang. Các ngân hàng nhóm dưới chủ yếu chưa lên sàn nên giới đầu tư không dễ quan sát thị giá cổ phiếu của các nhà băng này lên xuống ra sao hàng ngày.

Do đó, theo các nhà phân tích chứng khoán, khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng thì nhà đầu tư nên chọn lựa kỹ những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư giá trị ít nhất là trong trung hạn.

Trước thực tế một số nhà băng chưa muốn lên sàn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do hiệu quả kinh doanh ngân hàng còn thấp, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận trên tài sản (ROA) thấp hơn mức trung bình ngành, trong khi nợ xấu còn ở mức cao, e ngại khi lên sàn sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Đưa cổ phiếu lên sàn cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải minh bạch hơn hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính, trong khi có ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu này nên cần thêm thời gian để tự hoàn thiện.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến