Nhiều nhà đầu tư "cháy" tài khoản vì "đu đỉnh cây thông"
Phiên giao dịch cuối tuần (10/12), nhiều cổ phiếu "nóng" tiếp tục chuỗi giảm sàn. Chuỗi lao dốc của những mã cổ phiếu này diễn ra sau khi tăng nóng hàng chục phiên. Lên thế nào, xuống thế ấy, nhiều cổ phiếu vẽ mô hình "cây thông Noel". Theo đó, những nhà đầu tư "đu đỉnh" nếu sử dụng margin có thể "cháy" tài khoản!
Có thể điểm tên một số cổ phiếu penny "tăng sốc - giảm không phanh" thời gian qua như: SJF, IDI, TNI, LIC.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng "cầm than nóng" của các nhà đầu tư "không may mắn" xuất phát từ hiệu ứng fomo, "đua giá" ngay cả khi cổ phiếu đã tăng giá bằng lần chỉ trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, đây lại là cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng.
Diễn biến cổ phiếu SJF (Ảnh chụp màn hình HSX).
Chặn đà bán tháo, Phó Tổng IDI đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu
Cổ phiếu IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia IDI đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần đã tăng giá mạnh 4,9% lên 15.050 đồng, chặn thành công đà giảm sàn 8 phiên liên tục.
Diễn biến hồi phục của IDI sau khi ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc IDI - đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu IDI từ ngày 14/12 đến 12/1/2022. Nếu giao dịch thành công, ông Hải sẽ đạt tỷ lệ sở hữu 4,39% tại IDI, trong khi hiện ông Hải không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại công ty này.
Trước khi IDI lao dốc thì mã này đã có chuỗi tăng 237% kéo dài từ phiên 25/10. Thế nhưng, với đợt "đổ đèo" 8 phiên vừa qua, nhiều nhà đầu tư bị "nhốt sàn" và thiệt hại rất nặng. Một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu đó là việc ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch IDI - đăng ký bán toàn bộ hơn 12,5 triệu cổ phiếu IDI (tương ứng 5,51% vốn công ty) trong thời gian từ 2-30/12.
"Tâm thư" gây xôn xao của Chủ tịch SJF sau 10 phiên cổ phiếu nằm sàn
Cho đến hết phiên giao dịch ngày 10/12 thì cổ phiếu SJF của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương đã giảm sàn liên tục 10 phiên. Trước đó, SJF đã tăng trần 12 phiên.
Bất ngờ, giữa đợt bán tháo, Chủ tịch HĐQT SJF là ông Nguyễn Trí Thiện đã có thông cáo giải thích về tình hình cổ phiếu và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Diễn biến bất thường của cổ phiếu đã khiến cổ đông liên lạc với công ty hỏi hoạt động kinh doanh có sự kiện gì bất thường hay không. Chủ tịch SJF cho rằng, lý do của sự biến động mạnh của cổ phiếu có thể là do dòng tiền của các nhà đầu tư đã vừa đầu tư và đầu cơ theo tin tức về việc SJF có thể sẽ cung cấp sản phẩm sàn container bằng tre cho Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG).
Về hướng hợp tác với Hòa Phát, Chủ tịch SJF khẳng định không mong muốn Hòa Phát đầu tư trực tiếp hay M&A nhà máy vì công ty muốn có khách hàng đa dạng, công ty cũng đang phát triển tốt mà không phải phụ thuộc vào bất cứ một khách hàng lớn nào. SJF định hướng trở thành nhà sản xuất "thép xanh" hàng đầu thế giới trong 2-3 năm tới với vùng nguyên liệu lớn nhất thế giới mà không phải phụ thuộc vào bất cứ một đối tác cụ thể nào.
"Chúng tôi hoàn toàn có thể trở thành tập đoàn hàng đầu trên thế giới sản xuất các sản phẩm tre công nghiệp mà không cần đến việc sản xuất sản phẩm sàn container. Vì với những sản phẩm tre công nghiệp mà công ty đang nghiên cứu phát triển thành công trong vòng 5 năm qua đã đủ để có thể xây dựng những nhà máy lớn tự động hóa cao với doanh thu nhiều tỷ đô", Chủ tịch SJF quả quyết.
Vị này khẳng định, hiện tại SJF không có bất cứ biến cố nào tiêu cực để có thể làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu theo hướng đi xuống. Các đơn hàng trước kia dừng vì chi phí vận chuyển quá cao do đại dịch Covid-19 đang quay lại.
"Chỉ với khách hàng hiện tại và 2 đối tác của Hàn Quốc, Nhật Bản thì SJF đang phải lên kế hoạch tái cấu trúc và tăng công suất sản xuất của nhà máy hiện tại gấp 5 lần. Việc này công ty đang thực hiện thủ tục pháp lý đồng thời cũng đang thực hiện xây dựng thêm các hạng mục để nâng công suất nhà máy. Dự kiến hết quý I/2022 sẽ hoàn thành, công suất cũng như doanh thu của nhà máy tăng đáng kể từ cuối quý I/2022", Chủ tịch SJF thông tin.
Động thái của Nhà Đà Nẵng sau khi CEO bị bắt
Chiều ngày 7/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Quang Trung (sinh năm 1960), Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự.
Cơ quan điều tra đã tập trung làm rõ trước các sai phạm của ông Nguyễn Quang Trung trong việc chuyển nhượng nhà đất tại số 186 Trần Phú (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) để thực hiện các biện pháp tố tụng, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Nhà Đà Nẵng tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước. Theo kết quả điều tra, ngày 27/4/2009, trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ba ngày, ông Nguyễn Quang Trung đã đại diện công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 186 Trần Phú với giá gần 2 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định công ty này đã không đấu giá bán tài sản, không tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng công khai theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước gần 1,5 tỷ đồng vào thời điểm 2009. Tổng giá trị thiệt hại liên quan đến việc quản lý 7 dự án tại Nhà Đà Nẵng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cuối tháng 11 vừa qua, bà Mai Thị Thi, vợ ông Nguyễn Quang Trung đã đăng ký bán sạch hơn 1,2 triệu cổ phiếu NDN từ ngày 29/11 - 24/12, tương đương 1,68% vốn.
Bà Mai đăng ký bán cổ phiếu ngay khi UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo đến HĐND thành phố về việc thanh tra thành phố phát hiện có dấu hiệu tội phạm tại Nhà Đà Nẵng và đã chuyển một vụ việc sang cơ quan điều tra Công an thành phố để điều tra, xử lý theo quy định.
Những thông tin này khiến cổ phiếu NDN bị tác động tiêu cực, giảm từ vùng giá 26.000 đồng xuống vùng 19.000 đồng. Tuy nhiên, khi tin xấu đã phản ánh hết vào giá thì NDN đã bắt đầu hồi phục trở lại và đóng cửa phiên 10/12 tại mức giá 20.600 đồng.
Về vấn đề của ông Trung, doanh nghiệp cho hay, việc Cơ quan Công an TP Đà Nẵng điều tra ông Trung có liên quan đến các vấn đề diễn ra từ trước năm 2010 (trước khi cổ phần hóa). Hiện ông Trung đang phối hợp cùng Cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc nên chưa có kết luận cụ thể.
HĐQT Nhà Đà Nẵng đã thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Minh Khoa, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc và cũng chính là con trai của ông Trung, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Nhà Đà Nẵng từ 8/12.
Ông Khoa đang sở hữu 230.000 cổ phiếu NDN, tỷ lệ 0,32% vốn. Đầu tháng 12, ông Khoa đăng ký mua thêm 300.000 cổ phiếu từ 6/12 đến 4/1/2022 nhằm tăng sở hữu lên 0,74%.
Tác giả: Mai Chi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy