Đồng yên Nhật bị ảnh hưởng mạnh nhất
Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và lãi suất cao hơn trong thời gian dài khiến đồng tiền châu Á yếu đi trông thấy. Các nhà hoạch định chính sách châu Á đang phản ứng trước sức mạnh của đồng USD ở nhiều mức độ khác nhau, từ việc đưa ra cảnh báo bằng lời nói cho đến việc tăng lãi suất.
Một số quốc gia được cho can thiệp bằng cách mua đồng nội tệ của họ, động thái phức tạp có thể làm giảm uy tín của ngân hàng trung ương.
Các nhà phân tích tiền tệ đang tập trung vào chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của Mỹ, dự kiến được đưa ra ngày 15/5 sau khi dữ liệu của tháng trước khiến đồng yên sụt giảm.
Theo Fiona Lim - chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Maybank, dữ liệu kinh tế quan trọng gần đây nhất của Mỹ là bảng lương phi nông nghiệp yếu hơn dự kiến. Điều đó có nghĩa là các đồng tiền châu Á có thể giảm giá. Nhưng chỉ riêng điều đó sẽ không đẩy đồng USD xuống thấp hơn.
"Dữ liệu lạm phát sắp tới của Mỹ thực sự sẽ quyết định động thái tiếp theo đối với các đồng tiền châu Á so với đồng USD. Trước khi điều đó xuất hiện, có lẽ chúng ta sẽ thấy một số hình thức hợp nhất", Fiona Lim nói.
Theo CME FedWatch, công cụ theo dõi lãi suất quỹ liên bang, các nhà giao dịch dự đoán khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất là 8,5% sau cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang vào tháng 6 và khoảng 33% cho cuộc họp tiếp theo vào tháng 7.
Trong bối cảnh đó, đồng yên Nhật là một trong những đồng tiền châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nền kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến.
Yên Nhật ngày càng giảm giá.
Chính phủ Nhật Bản dường như đã can thiệp vào ngày 29/4 và 1/5 để củng cố đồng yên, mặc dù dữ liệu chính thức vẫn chưa được công bố. Trước lần can thiệp đầu tiên, đồng yên giảm mạnh ở mức 160 yên đổi 1 USD, mức giảm mạnh nhất trong vòng 34 năm.
Sự sụt giảm của đồng yên dẫn đến khoảng cách lợi suất giữa Mỹ và Nhật Bản là khoảng 5%. Theo Refinitiv, đồng yên Nhật đang dao động ở mức 155 đổi 1 USD, giảm 9,4% trong năm nay.
Theo Shoki Omori - chiến lược gia trưởng tại Mizuho Securities, việc can thiệp nhiều hơn vào việc bán USD và mua đồng yên có thể gây khó khăn cho Tokyo nếu không có sự hỗ trợ từ Washington.
Đầu tháng 5, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - cho rằng "sự can thiệp này sẽ hiếm khi xảy ra, thay vào đó chỉ là những cuộc tham vấn". Tuy nhiên, bà không bình luận về việc liệu chính quyền Tokyo có can thiệp hay không.
Tuần trước, bản tóm tắt ý kiến từ cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 4 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho thấy giọng điệu diều hâu (thuật ngữ chỉ chính sách thắt chặt) so với những nhận xét công khai trước đó của Thống đốc Kazuo Ueda. Một số thành viên hội đồng quản trị nhận thấy khả năng lãi suất tăng nhanh và nhiều người cho rằng BOJ nên giảm việc mua trái phiếu.
Tuy vậy, chiến lược gia Omori kỳ vọng các hoạt động đặt cược bán khống vào đồng yên sẽ tiếp tục đến khi các nguyên tắc cơ bản thay đổi do không có yếu tố nào có thể đảo ngược sự yếu kém của đồng yên.
"Giao dịch mua bán bằng đồng yên sẽ vẫn hấp dẫn trừ khi BOJ tăng lãi suất chính sách nhanh chóng và đáng kể, chẳng hạn như tăng 50 điểm cơ bản trong một lần và giảm mua trái phiếu ngắn hạn", Shoki Omori, nói.
Theo quan điểm của chiến lược gia tại công ty chứng khoán và ngân hàng hàng đầu Nhật Bản Mizuho Securities, các nhà đầu tư đang định giá 17,5% khả năng BOJ tăng lãi suất vào tháng 7 và 25% vào tháng 10.
Động thái của các nước châu Á
Tại Hàn Quốc, dự trữ ngoại hối giảm gần 6 tỷ USD kể từ tháng 3, theo dữ liệu của Ngân hàng Hàn Quốc. Nguyên nhân phần lớn đến từ việc chính quyền nước này nỗ lực ngăn chặn sự sụt giá của đồng won.
Trong một tuyên bố, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho rằng sự sụt giảm dự trữ ngoại hối của họ liên quan đến một số yếu tố, bao gồm các biện pháp ổn định thị trường như hoán đổi ngoại hối với Dịch vụ Hưu trí Quốc gia (được áp dụng vào tháng 9/ 2022).
Theo Moon Da Woon, nhà kinh tế tại Korea Investment & Securities ở Seoul, thị trường đang suy đoán rằng chính phủ Hàn Quốc đang có chính sách bảo vệ sự sụt giảm nhanh chóng của đồng won, khi đồng tiền này mạnh lên so với đồng USD sau cảnh báo hồi tháng trước.
Hồi tháng 4, Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cảnh báo về biến động tiền tệ nhanh chóng, ngay khi đồng won chạm mức 1.400 won/1 USD, mức giảm mạnh trong vòng 1,5 năm qua.
Theo Refinitiv, ngay sau bài cảnh báo, đồng won mạnh lên trông thấy, gần đây giao dịch ở mức 1.366,5 won/1 USD. Moon Investment & Securities của Hàn Quốc cho biết kỳ vọng đồng won sẽ tăng lên mức cao 1.200 won/1 USD vào cuối năm nay.
Chính phủ châu Á lo lắng đồng tiền của mình bị giảm mạnh.
Tại Indonesia, ngân hàng trung ương bất ngờ tăng lãi suất chuẩn vào tháng trước thêm 25 điểm cơ bản lên 6,25% để tăng giá đồng tiền.
Trong cuộc họp báo hồi tuần trước, Perry Warjiyo - Thống đốc Ngân hàng Indonesia - phát biểu dữ liệu hiện tại cho thấy không có thêm đợt tăng lãi suất nào. Ông cam kết nỗ lực củng cố đồng tiền xuống mức 16.000 rupiah đổi 1 USD.
Đồng rupiah đã mạnh lên khoảng 16.000 rupiah/1 USD từ mức gần 16.300 rupiah/1 USD, trước khi có đợt tăng lãi suất bất ngờ. Tuy nhiên, đồng tiền của Indonesia vẫn chưa phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm vào tháng trước.
Một trong những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á là đồng rupee của Ấn Độ, mặc dù tỷ giá này đã trượt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng USD vào tháng trước.
Theo Rob Carnell - nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại ING Singapore, đồng tiền này đã được Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ "quản lý chặt chẽ" kể từ khoảng tháng 10, giao dịch ở mức hẹp khoảng 83.
Carnell cho biết tất cả các ngân hàng trung ương và khu vực ở châu Á ngoại trừ Malaysia đều có dự trữ ngoại hối để chi trả cho hơn 6 tháng nhập khẩu, đây là ngưỡng dự trữ đủ.
Đồng ringgit của Malaysia đang giao dịch ở mức 4,737 ringgit đổi 1 USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm là 4,7965 ringgit vào tháng 2. Điểm yếu của đồng ringgit là bị chi phối bởi sức mạnh của đồng USD, điều đó khiến thặng dư tài khoản vãng lai của Malaysia giảm và mối tương quan chặt chẽ của đồng tiền này với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (vốn cũng đang suy yếu).
Tác giả: Trạch Dương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy