Dòng sự kiện:
Nhiều 'ông lớn' góp mặt trong danh sách chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu của HNX
23/02/2023 15:54:14
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, trong đó nhiều cái tên quen thuộc như Novaland, Apax English, Danh Khôi, Hưng Thịnh Incons, ...

Ngày 21/2, HNX vừa phát thông báo về danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.

Theo đó, trong danh sách có 54 doanh nghiệp đã công bố thông tin bất thường hoặc báo cáo theo yêu cầu có nội dung chậm trả lãi cho trái chủ. Một số doanh nghiệp được nêu tên như là CTCP Anh ngữ Apax, CTCP BCG Energy, CTCP Chứng khoán Tân Việt, CTCP Điện mặt trời Trung Nam, CTCP Tập đoàn Danh Khôi, CTCP địa ốc Sài Gòn thương tín, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, CTCP Hưng Thịnh Incons, ...

 HNX công bố danh sách 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Ảnh BTC.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Tính riêng trong tháng 1/2023, có gần 17,5 nghìn tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10,5 nghìn tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5,9 nghìn tỷ đồng.

Ngay đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã phải gia hạn thanh toán trái phiếu đến thời điểm đáo hạn. Đơn cử, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm).

Công ty cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật. Về nguyên nhân chậm thanh toán, DLG cho biết, do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ.

Trong tháng 1/2023, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (Mã chứng khoán: HTN) thông báo về việc chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022.

Đây là trái phiếu có kỳ hạn một năm và đã đáo hạn vào ngày 31/12/2022 với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 300 tỷ đồng, thời điểm thanh toán theo kế hoạch vào ngày 3/1.

Hưng Thịnh Incons báo cáo đã hoàn trả toàn bộ tiền lãi hơn 8 tỷ đồng vào ngày 3/1. Tuy nhiên, công ty chỉ mới thanh toán được số tiền gốc 90 tỷ đồng (so với tổng nợ gốc 300 tỷ đồng).

"Tín dụng bị siết chặt, thị trường vốn khác (như chứng khoán, trái phiếu) bị nhiều tác động không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn vốn để thanh toán cho Hưng Thịnh Incons, dẫn đến nguồn tiền của tổ chức phát hành thanh toán cho trái chủ bị chậm so với kế hoạch", văn bản giải trình.

Công ty xây dựng cũng đưa ra lộ trình thanh toán mới cho trái chủ. Trong đó, giai đoạn 1/3-10/3 sẽ hoàn trả 105 tỷ đồng tiền gốc và giai đoạn 25/3-31/3 sẽ tất toán khoản còn lại 105 tỷ đồng.

Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai cũng thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tới hạn đối với mã trái phiếu HAGLBOND16.26 với tổng giá trị cần trả cho trái chủ hơn 1.021 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này có lịch trả nợ vào ngày 30/12/2022, số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ và tiền lãi hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty xin dời thời hạn thanh toán sang quý II/2023, với lý do chưa thu hồi được tiền nợ từ HAGL Agrico (đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên với ngân hàng) và thanh lý tài sản.

Công ty cổ phần Nova Final Solution cũng chậm thanh toán cho lô trái phiếu NOVA Final Solution.Bond.2019 với số tiền lãi gần 36 tỷ đồng, với lý do chưa thu xếp kịp nguồn vốn. Ngày thanh toán theo kế hoạch là 13/12/2022 và doanh nghiệp xin dời đến 23/12/2022.

Kế đến là Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vẫn chưa thể trả nợ cho lô trái phiếu AGMH2223001 do tình hình kinh doanh bị đình trệ kể từ sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân bị bắt. Bộ máy lãnh đạo mới cần thời gian để lập các kế hoạch tài chính, trong đó có nghĩa vụ thanh toán nợ cho trái chủ.

Hiện lô trái phiếu này có tổng giá trị theo mệnh giá là 300 tỷ đồng nhưng đã được mua lại gần 90 tỷ, do đó số dư hiện tại còn hơn 210 tỷ.

Do không đủ khả năng thanh toán lãi đến hạn nên Angimex đang có kế hoạch triệu tập cuộc họp Hội nghị trái chủ vào đầu tháng 2 để xin ý kiến về kế hoạch xử lý trái phiếu, bao gồm lộ trình thanh lý tài sản và các nguồn tiền kinh doanh khác.

Cũng phải kể đến Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú (công ty con của Novaland), doanh nghiệp này công bố về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu GPRCH2123001; ngày thanh toán lãi cho lô trái phiếu này theo kế hoạch là 13/2/2023 với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Được biết, lô trái phiếu này có giá trị 250 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, đáo hạn ngày 13/8/2023.

Trước đó, công ty con khác của Novaland là Công ty cổ phần Nova Final Solution cũng chậm thanh toán lãi cho lô trái phiếu với số tiền lãi gần 36 tỷ đồng, lý do chưa thu xếp kịp nguồn vốn; Công ty cổ phần Fuji Nutri Food (FNF) thông báo chậm thanh toán gốc và lãi cho lô trái phiếu có tổng giá trị huy động 1.000 tỷ đồng, phát hành vào tháng 8/2022.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, khó khăn thanh khoản trái phiếu sẽ tiếp diễn trong năm nay. Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng và 89.488 tỷ đồng. Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, các kênh huy động vốn đều đang tắc khiến doanh nghiệp khó tìm nguồn vốn đáo hạn.

Tác giả: Đông Bắc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến