Dòng sự kiện:
Nhiều quy định pháp lý mới ngành ngân hàng sẽ tác động đến kết quả kinh doanh 2020
21/12/2019 02:23:40
Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, hàng loạt quy định pháp lý mới trong ngành ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này sẽ tác động thế nào đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng?

Năm 2019 sắp khép lại, đánh dấu thêm một năm điều hành chính sách thành công của Ngân hàng Nhà nước khi góp phần kiểm soát lạm phát trong mục tiêu, giữ được tỷ giá ổn định, tín dụng ở mức vừa phải, lãi suất điều chỉnh linh hoạt với tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế và liên tiếp nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ lục mới.

Kết quả trên đặt trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn với diễn biến phức tạp của xung đột thương mại Mỹ - Trung, vấn đề Brexit của Anh và EU kéo dài, chính sách lãi suất đồng loạt đảo chiều trên toàn cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm...

Tại Việt Nam, 2019 cũng là năm chứng kiến nhiều sự thay đổi về chính sách tiền tệ, theo hướng linh hoạt để đảm bảo các mục tiêu điều hành. Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn 3 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có những điều chỉnh mới. Đây được xem như những bước chuẩn bị, tạo nền cho năm mới 2020.

Theo đánh giá của chuyên gia VDSC, các ngân hàng quốc doanh nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng biên lãi ròng trong khi tác động lên các ngân hàng tư nhân là đa chiều nên mức độ ảnh hưởng sẽ nhẹ hơn so với khối ngân hàng quốc doanh.

Cụ thể, Quy định về việc giảm lãi suất tiền gửi đối với một số kỳ hạn ngắn và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiệu lực từ tháng 11/2019) có thể có tác động trước mắt rất khác nhau phụ thuộc vào chính sách cụ thể của từng ngân hàng khi tuân thủ các quy định này. 

Ví dụ, VCB không chỉ giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, mà còn giảm 0,5% lãi suất đối với tất cả các khoản vay của doanh nghiệp trong hai tháng cuối năm. Với chính sách này, VCB ước tính lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm 260 tỷ đồng so với việc không giảm lãi suất. 

Trái lại, các ngân hàng khác chịu ảnh hưởng nhẹ hơn hoặc có thể được lợi khi tác động của việc giảm lãi suất đầu vào có thể bù trừ thậm chí mạnh hơn tác động của việc giảm lãi suất đầu ra. Dù vậy về lâu dài, theo mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất của chính phủ cũng như các nỗ lực gần đây của Ngân hàng Nhà nước để đạt mục tiêu này, chúng tôi cho rằng khả năng mở rộng lợi tức tài sản của các ngân hàng sẽ trở nên hạn chế hơn.

Các yêu cầu về an toàn vốn mới (theo Thông tư 41/2016-TT-NHNN hoặc Thông tư 22/2019-TT-NHNN) và việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (Thông tư 22/2019-TT- NHNN) đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về vốn và huy động do đó dự kiến sẽ hạn chế khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng. Tác động của các quy định này sẽ mạnh hơn đối với các ngân hàng có bộ đệm vốn mỏng (như CTG) hay tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao (như VIB).

Việc áp dụng tỷ lệ LDR tối đa mới đồng bộ ở mức 85% cho tất cả các ngân hàng (Thông tư 22/2019-TT-NHNN) sẽ cho phép các ngân hàng tư nhân có thêm cơ hội đẩy mạnh tỷ lệ này (so với mức ngưỡng tối đa 80% trước đây) để cải thiện NIM. Trái lại, việc giảm tỷ lệ LDR tối đa đối với các ngân hàng quốc doanh từ 90% xuống 85% dự kiến sẽ khiến các ngân hàng này phải kiềm chế tín dụng hoặc đẩy mạnh huy động, theo đó làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng.

Quy định về việc chuyển số dư tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước vào cuối mỗi ngày (Thông tư 58/2019/TT-BTC) nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến chi phí huy động của các ngân hàng quốc doanh, nơi có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước cao.

Quy định quản lý chặt chẽ hơn hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng (Thông tư 18/2019/TT-NHNN), theo đó quy định giảm dần tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng (có số dư nợ giải ngân trực tiếp tại công ty tài chính tiêu dùng đó trên 20 triệu đồng) về 30% kể từ năm 2024. 

Trong số các công ty tài chính tiêu dùng có thị phần tương đối trên thị trường, FE Credit và MCredit là hai công ty điển hình đang có trên 70% dư nợ từ hoạt động cho vay tiền mặt, dù vậy tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp khách hàng dư nợ trên 20 triệu (chịu sự điều chỉnh của quy định nêu trên) nhiều khả năng thấp hơn 60% (đối với FE Credit là 59%). Do đó, VDSC cho rằng tác động của Thông tư 18 sẽ chưa đáng kể trong ngắn hạn, dù trong dài hạn nhiều khả năng sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng của các công ty tập trung cho vay tiền mặt.

Nhìn chung, các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế khả năng mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh (CTG nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất) trong khi tác động tới các ngân hàng tư nhân sẽ là đa chiều do đó sẽ có mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn (ACB và HDB nhiều khả năng là những ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất). Đặc biệt, VDSC cũng hy vọng rằng các ngân hàng còn khả năng mở rộng tài chính tiêu dùng (MBB, HDB) vẫn có cơ hội cải thiện NIM hơn nữa vào năm 2020.

Mai An (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến