Dòng sự kiện:
Nhiều sếp lớn ngân hàng lên tiếng cam kết, mặt bằng lãi suất cho vay sắp giảm?
27/04/2021 14:10:28
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại Đại hội cổ đông, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank khẳng định, trong năm nay, ngân hàng này sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Theo VPBank, trong năm 2020, ngân hàng đã cơ cấu hơn 6.000 tỷ đồng nợ cho khách hàng theo Thông tư 01, đến giờ còn hơn 1.200 tỷ. Ảnh hưởng của việc giãn nợ, không được dự thu có thể lên đến 400 - 500 tỷ đồng trong năm 2020, nhưng từ quý IV/2020, đa phần khách hàng đã trả được nợ nên lợi nhuận năm 2020 và 2021 của ngân hàng không bị ảnh hưởng.

Tương tự, lãnh đạo Saccombank cũng tuyên bố: “Trong năm nay ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước”.

Năm 2020, Sacombank đã cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí hơn 8.300 tỷ theo Thông tư 01 của Ngân hàng nhà nước và triển khai 44.500 tỷ các gói tín dụng ưu đãi dành cho cá nhân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank nhận định, theo Thông tư 03 mới, ngân hàng cần trích lập dự phòng trong 3 năm để giữ an toàn tài chính. Ban lãnh đạo HDBank dự kiến trích lập dự phòng gần 180 tỷ đồng, đây không phải là con số lớn và đảm bảo ngân hàng hoàn thành lợi nhuận năm nay.

Lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm, thiết lập mặt bằng mới. (Ảnh minh họa)

Bức tranh toàn cảnh ngân hàng trong quý I/2021 cho thấy, dư địa giảm lãi suất vẫn còn khá lớn. Lãnh đạo các ngân hàng cũng khẳng định, lợi nhuận tăng trưởng và các khoản nợ xấu trước đó đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Cùng với đó là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021.

Thực tế, thời gian qua, dù lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng lại giảm khá "nhỏ giọt". 

Hiện các ngân hàng tư nhân đang áp mức lãi vay cao trên 8%/năm. Trong đó, Techcombank có lãi thấp nhất trong khối với 8,29%/năm. Nhóm các ngân hàng quốc doanh lớn của Việt Nam như BIDV, Vietcombank, Vietinbank... đều có mức lãi suất cho vay dao động từ 7,3% - 7,7%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động từ đầu năm 2021 đến nay liên tục được điều chỉnh giảm. Theo khảo sát, hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng gửi tại quầy là từ 3-4%; 6 tháng: 4 – 6,45%, 9 tháng: 4 – 6,7%... Ở các kỳ hạn dài hơn từ 18-36 tháng, các ngân hàng niêm yết mức lãi suất 5 -7,1%.

Như vậy, có thể thấy trong khi lãi suất huy động giảm mạnh thì lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 1% so với đầu năm 2020. Điều này khiến mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang khá lớn. Trong khi đó, nếu đúng theo quy luật thì lãi suất đầu vào giảm sẽ khiến lãi suất cho vay ra cũng sẽ giảm theo. Nhưng rõ ràng thực tế không như vậy. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn than gặp khó khi tiếp cận vốn ngân hàng do lãi suất cho vay cao và gặp nhiều vướng mắc.

Tác giả: Ngọc Vy

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến