Dòng sự kiện:
Nhiều trang thiết bị y tế hết hạn, chưa kiểm định lưu thông trên thị trường
07/01/2016 15:57:00
ANTT.VN - Thanh tra Chính phủ vừa công khai kết quả “bắt mạch” ngành y tế trong hoạt động quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế giai đoạn 2011 – 2014. Theo đó, hàng loạt sai phạm đã bị khui ra…

Tin liên quan

Hoạt động quản lý trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập (ảnh minh họa)

Chậm ban hành quy chuẩn, buông lỏng quản lý TTBYT gây thất thoát, lãng phí

Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế chưa ban hành các quy chuẩn về thiết bị y tế, chưa ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định về danh mục, thiết bị y tế thiết yếu của các tuyến và quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh của các đơn vị trực thuộc…

Cụ thể, Bộ Y tế chưa ban hành các quy chuẩn Việt Nam về trang thiết bị y tế (TTBYT) đã xây dựng kế hoạch, lộ trình để ban hành 11 quy chuẩn Việt Nam về TTBYT.

"Vụ Trang Thiết bị y tế và Công trình y tế chưa kịp thời tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục tiêu chuẩn về trang thiết bị y tế thiết yếu cho bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế", kết luận thanh tra nêu. 

Từ đó dẫn đến tình trạng TTBYT được đầu tư, cấp phát về không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả do không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, không phù hợp với năng lực đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất của đơn vị, gây lãng phí tiền của.

Đó là các trang thiết bị: Máy đo PH để bàn, Máy đo PH cầm tay, Kiến hiển vi 2 mắt, Nồi cách dầu, Nồi hấp, Tủ ấm, Tủ lạnh âm sâu, Tủ an toàn sinh học cấp 2, Tủ sinh học…

Ví dụ, tại Bệnh viện Đa khoa TP Đồng Hới (Quảng Bình) có một máy điện tim được Sở y tế cấp năm 2012 nhưng không sử dụng được do không có loại giấy in phù hợp.

Máy PCR do Dự án Phòng chống bệnh truyền nhiễm tiểu vùng sông Mê kông, Dự án Hỗ trợ bắc Trung Bộ, Dự án ADB, Dự án phòng chống H5N1 cấp cho một số đơn vị thuộc Sở Y tế Quảng Bình chưa được sử dụng.

Công ty TNHH MTV Tổng Cty Thiết bị y tế Việt Nam (đơn vị trực thuộc) được giao bảo quản 78 loại với 576 thiết bị y tế dự trữ quốc gia, nguyên giá là 27,696 tỉ đồng. Tuy nhiên do thiếu kiểm tra giám sát việc bảo quản đã dẫn đến nhiều thiết bị y tế bị hết hạn sử dụng, kém chất lượng… không được phát hiện kịp thời , không báo cáo để xử lý mà vẫn xuất kho cấp phát cho các đơn vị sử dụng (!)

Kiểm định trang thiết bị y tế: Vừa thừa vừa thiếu

Số lượng, chủng loại TTBYT hiện nay vô cùng nhiều và phong phú, tuy nhiên công tác kiểm định đã bộc lộ rõ nhiều bất cập.

Tại Kết luận nêu trên, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Viện Trang Thiết bị và Công trình y tế tuy không được giao chức năng nhiệm vụ nhưng vẫn tổ chức kiểm tra chất lượng TTBYT nhập khẩu. Trình tự, thủ tục kiểm tra không đúng quy định, áp dụng văn bản đã hết hiệu lực, do đó hiệu quả thấp.

Trong vòng 4 năm (2011-2014), mặc dù đã kiểm tra khá nhiều (6.467 TTBYT nhập khẩu và 7.344 TTBYT thuộc danh mục chủng loại được kiểm tra) nhưng chỉ phát hiện được 02 thiết bị y tế không đạt yêu cầu (!)

Một số hàng hóa TBYT không thuộc danh mục phải kiểm tra nhưng Viện này vẫn tổ chức kiểm tra “theo yêu cầu của các doanh nghiệp” và cấp 215 giấy chứng nhận, thông báo kết quả kiểm tra chất lượng đối với 2.866 TTBYT.

Trong khi đó, cũng Viện này đã cấp 1.398 giấy thông báo lô hàng được miễn kiểm tra chất lượng, dẫn tới một số lượng lớn  (1.398) TTBYT không được kiểm tra về chất lượng nhưng vẫn được lưu thông trên thị trường.

Từ những sai phạm nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về TTBYT, trên cơ sở đó kịp thời xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn kèm theo Nghị định, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng TTBYT.

Bô Y tế cần sớm xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về TTBYT đồng thời ban hành các quy định về quản lý, bảo trì, bảo dưỡng TTBYT tránh lãng phí thất thoát.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bô Y tế cần tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát đồng thời kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân, tập thể để xảy ra các sai phạm nói trên.

Trong số các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Viện Trang Thiết bị và Công trình y tế là đơn vị để xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm định TTBYT và tư vấn đấu thầu các công trình y tế. Ngoài ra, Viện này còn vi phạm công tác quản lý tài chính do thu sai, thu vượt quy định của Nhà nước số tiền gần 5,3 tỉ đồng từ việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2011-2014.

Diệp Chi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến