Dòng sự kiện:
Nhiều trường học ở miền núi Thanh Hóa thiếu trang thiết bị dạy học
05/09/2024 14:42:13
Năm học mới bắt đầu nhưng ở một số huyện miền núi tại Thanh Hoá, vẫn có nhiều trường đang trong tình trạng thiếu trang thiết bị giảng dạy.

Sáng 9/5, cùng với 23 triệu học sinh cả nước, hơn 900.000 học sinh toàn tỉnh Thanh Hoá náo nức bước vào ngày khai giảng năm học mới 2024-2025.

Ghi nhận tại các huyện miền núi Thanh Hóa, mặc dù một số cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu trang thiết bị dạy và học nhưng các trường cũng đã nỗ lực để ngày khai giảng diễn ra thành công trong không khí tưng bừng đúng nghĩa ngày tựu trường.

Học sinh tại huyện Quan Hóa chào cờ trong ngày khai giảng

Tại huyện miền núi Lang Chánh, có 31 trường các cấp với hơn 11.700 học sinh, địa phương này hiện thiếu 94 giáo viên. Về trang thiết bị dạy học tại các trường, các thiết bị được cấp từ năm 2006 hiện đã xuống cấp và hư hỏng; huyện mới nhận được trang thiết bị mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của lớp 1, lớp 2, lớp 6. Toàn huyện hiện có 15 trường có phòng học, bàn ghế, trang thiết bị xuống cấp mà chưa được đầu tư.
 
Trường Tiểu học Tân Phúc, huyện miền núi Lang Chánh cũng là một trong những ngôi trường có nhiều phòng học, bàn ghế hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, chưa được sửa chữa do thiếu vốn. Mặc dù vậy, nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên đóng góp ngày công lao động, tham gia sửa chữa các phòng chức năng, chỉnh trang khuôn viên, cảnh quan trường, lớp. Nhà trường đang tu sửa bàn ghế hư hỏng, kiểm tra thiết bị còn thiếu để đề xuất với UBND huyện Lang Chánh bổ sung trước năm học mới.

Trường THCS Tân Phúc được trao 20 máy vi tính phục vụ năm học mới

Hay tại Trường THCS Tân Phúc, năm học 2024 – 2025, trường có 9 lớp với 336 học sinh. Thời gian qua, nhà trường đã được các cấp, ngành và nhà hảo tâm tài trợ xây dựng cơ sở vật chất và các thiết bị phục vụ công tác dạy và học nhưng hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trước thềm khai giảng hôm 4/9, Trường THCS Tân Phúc đã được trao tặng 20 bộ máy vi tính trị giá 200 triệu đồng phục vụ dạy và học do ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường thủy, Bộ Giao thông vận tải tặng cho trường.

Tại huyện Quan Hóa, sáng 5/9, tiếng trống khai giảng cũng đã đồng loạt vang lên ở các trường, học sinh tựu trường đông đủ bất chấp nhiều em học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng như các trường miền núi khác, Trường Tiểu học thị trấn Quan Hóa hiện đang thiếu nhiều trang thiết bị dạy học, chủ yếu là lớp 3, 4, 5.

Ông Đỗ Huy Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cơ sở vật chất của trường xuống cấp, thiếu nhiều trang thiết bị dạy học chuẩn bị cho năm học mới. Hiện tại, trường mới có một số thiết bị dạy học cơ bản cho lớp 1 và lớp 2. Nhà trường rất mong UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa sớm bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học và sách giáo khoa cho học sinh khó khăn, để học sinh đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất.

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Quan Hóa được trao quà trong ngày khai giảng

Tương tự, tại huyện miền núi Ngọc Lặc có 79 trường học các cấp với 38.000 học sinh. Việc thiếu các thiết bị, đồ dùng dạy học đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của địa phương, đặc biệt là các trường tiểu học và mầm non.

Bà Nguyễn Thị Hào, Hiệu trưởng Trường mầm non Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc chia sẻ, nhà trường đang thiếu nhiều trang thiết bị dạy học như: Thiết bị phòng tin học, bàn ghế, máy tính. Ngoài ra, bàn ghế, giá kệ tại các lớp đang hư hỏng nhiều nhưng trường chưa có kinh phí mua sắm. Trường đề nghị cấp trên bổ sung kinh phí để kịp thời mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học khi năm học mới đang đến gần.

Theo ông Nguyễn Tài Toàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc, nhiều trường đang thiếu trầm trọng trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng huyện cũng gặp khó khăn trong bố trí kinh phí mua bổ sung. Để khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị chuẩn bị cho năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đề nghị các nhà trường cố gắng tận dụng thiết bị, đồ dùng cũ để dạy cho học sinh, hoặc linh hoạt trong việc trang bị. Ví như, với máy tính xách tay, các thầy cô có thể tự trang bị để dạy cho kịp với chương trình.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, tỉnh có 2.026 cơ sở giáo dục, trước tình trạng thiếu thiết bị, Sở đã có tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt dự toán mua sắm thiết bị dạy học cho các lớp 3, 7, 10, dự kiến hoàn thành trong học kỳ 1 năm nay, với kinh phí 200 tỷ đồng. Sau khi tỉnh phê duyệt, Sở sẽ giao các cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện lựa chọn danh mục thiết bị phù hợp với đặc thù việc dạy học, giảng dạy của các trường để thực hiện việc mua sắm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện Thanh Hóa cũng đang thiếu số lượng lớn giáo viên để phục vụ giảng dạy cho các cấp học, trong đó chủ yếu thiếu giáo viên văn hóa, giáo viên các bộ môn đặc thù. Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, tỉnh đã lên kế hoạch tuyển dụng 6.600 chỉ tiêu giáo viên ở các bậc học, tới nay toàn tỉnh tuyển được khoảng 3.300 giáo viên, số giáo viên còn lại đang được tiếp tục tuyển dụng.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến