Những ngày cuối năm 2017, PV ANTT đã thực hiện cuộc thăm dò ý kiến trên mạng xã hội Facebook về các vấn đề nổi bật của năm ở Thừa Thiên – Huế được dư luận quan tâm.
Dưới đây là 11 vấn đề, sự kiện được đông đảo cư dân mạng bình chọn:
1. Festival nghề truyền thống Huế 2017 - “Tinh hoa nghề Việt”
Diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 2/5/2017 tại thành phố Huế, đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Cố đô Huế - Thành phố Festival của Việt Nam - Thành phố Văn hóa ASEAN.
2. Mở cửa Đại Nội về đêm
Tối 22/4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lần đầu tiên mở cửa Đại nội Huế về đêm để đón du khách tham quan thường xuyên, với thời lượng phục vụ 3 giờ đồng hồ/tối, bắt đầu từ 19h hằng ngày.
Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi nên đến ngày 30/9 chương trình đã tạm dừng để hoàn thiện.
3. Khai trương tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu
Tối 29/9, tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão-Chu Văn An-Võ Thị Sáu ở phường Phú Hội, thành phố Huế chính thức khai trương.
Theo đó, tuyến phố đi bộ gồm Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu hoạt động từ 18h - 2h sáng hôm sau vào 3 ngày cuối tuần. Phố đi bộ có tổng chiều dài hơn 1km, trong đó tuyến đường Phạm Ngũ Lão dài 215m, tuyến đường Chu Văn An dài 350m và tuyến đường Võ Thị Sáu dài 480m.
4. Ra mắt Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế
Ngày 25/12, Trung tâm Hành chính Công tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt tại số 1 đường Lê Lai, TP Huế đã chính thức đi vào hoạt động với phương châm “Thân thiện – Đơn giản – Đúng hẹn”.
Trung tâm là tổ chức hành chính đặc thù trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với 1 Giám đốc là bà Trần Thị Hoài Trâm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh và 1 Phó Giám đốc chuyên trách cùng 3 bộ phận gồm: Hỗ trợ - Giám sát; Hành chính – Tổng hợp; Tiếp nhận, trả kết quả.
5. Cuộc vận động chiến dịch “Huế không tiếng còi xe”
Thực hiện chiến dịch hạn chế tiếng còi xe trong đô thị, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên - Huế đã triển khai các đơn vị treo nhiều băng rôn, áp phích trên đường phố, cổ động người dân chung tay hưởng ứng.
Đến giữa tháng 9, đã có 200 đơn vị tham gia với 10.000 logo "Huế không tiếng còi xe" được dán lên các phương tiện.
6.Lăng bà Tài Nhân, vợ vua Tự Đức bị san ủi khi thi công bãi đỗ xe
Ngày 21/6, người dân phường Thủy Xuân (TP Huế) phản ánh việc chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức - Đồng Khánh (Công ty TNHH TMDV Chuỗi Giá Trị) san ủi lăng mộ vợ vua.
Chiều 24/6, Hội đồng Nguyễn Phước Tộc tìm thấy tấm bia bà Tài nhân họ Lê (vợ vua) dưới lớp đất san ủi dự án. Sau đó, chủ đầu tư thừa nhận đã san ủi lăng mộ cổ.
Ngày 3/7, tìm thấy bài vị của bà Tài nhân họ Lê được thờ trong lăng vua Tự Đức. Sáng 6/7, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc (con cháu nhà Nguyễn) đã phát hiện ra nền móng của kim tĩnh (huyệt mộ chôn thi hài).
Ngày 11/7, Nguyễn Phước Tộc đã gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để yêu cầu giữ lại lăng mộ ở vị trí cũ.
Tuy nhiên, ngày 18/7, tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết tỉnh sẽ giao cho UBND TP Huế thực hiện việc di dời lăng mộ vợ vua Tự Đức ra khỏi khu vực san lấp.
Hiện, dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức - Đồng Khánh vẫn đang tạm dừng, còn lăng bà Tài Nhân vẫn đang ở vị trí cũ và đã được bà con Nguyễn Phước tộc tu sửa tạm thời.
7.Lùm xùm chuyện bác sỹ Hoàng Công Truyện bị xử phạt
Ngày 19/10, dư luận xôn xao về trường hợp Bác sỹ Hoàng Công Truyện đang công tác tại trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế bị kỷ luật với hình thức Khiển trách vì đã lên facebook viết status (trạng thái) khuyên Bộ trưởng Y tế “nghỉ” việc với những lời lẽ khiếm nhã.
Liên quan đến chuyện này, sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với hành vi của bác sỹ Truyện. Đồng thời, sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu ông Truyện viết giải trình và kiểm điểm vụ việc.
Sau khi báo chí lên tiếng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu kiểm tra, nếu nội dung bác sĩ đăng Facebook không đủ căn cứ để khẳng định là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bôi nhọ, vu cáo Bộ trưởng Y tế mà quyết định xử phạt thì phải thu hồi.
Đến ngày 24/10, ông Lê Sĩ Minh, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế dẫn đầu đoàn công tác của sở đã đến Trung tâm Y tế huyện Phong Điền để gặp gỡ và trực tiếp xin lỗi bác sĩ Hoàng Công Truyện.
Ngoài việc trao Quyết định số 083/QĐ-HBXPVPHC về việc "Hủy bỏ quyết định xử phạm vi phạm hành chính" đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện, gửi lời xin lỗi đến cá nhân bác sĩ Hoàng Công Truyện, người bị xử phạt sai vì hành vi "khuyên" Bộ trưởng Bộ Y tế nghỉ việc trên facebook, ông Lê Sĩ Minh hy vọng sau sự việc trên, bác sĩ Hoàng Công Truyện sẽ tiếp tục yên tâm công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền.
8. Khổ vì dự án Cải thiện môi trường nước
Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế được triển khai từ tháng 6/2010 do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Kinh phí dự án có tổng mức đầu tư là 24 tỷ yên (tương đương 5.000 tỷ đồng), trong đó 20,8 tỷ yên là của chính phủ Nhật Bản, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả.
Dự án đã được tiến hành đồng loạt trên các tuyến đường tại bờ nam sông Hương TP Huế. Do khối lượng công việc lớn, tình trạng bụi bặm, ngập nước, kẹt xe trên các con đường đã khiến nhiều người dân Huế khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống.
9.Cá lồng nuôi chết liên tục ở nhiều địa phương
Năm 2017 là năm thất thu của nhiều bà con nuôi cá lồng ở Thừa Thiên - Huế. Tình trạng cá lồng nuôi chết hàng loạt diễn ra ở nhiều khu vực như: Sông Bồ (huyện Quảng Điền), cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang), Đầm Lập An, Cầu Hai (huyện Phú Lộc)… Nguyên nhân một phần do thủy điện, thời tiết bất thường và do tình trạng người dân nuôi với mật độ dày đặc.
10.Thiệt hại nặng nề vì bão lũ
Các cơn bão số 10, 11, 12, 13 mặc dù không đổ bộ trực tiếp vào Thừa Thiên - Huế nhưng hoàn lưu của bão đã khiến nhiều khu vực của tỉnh này bị ngập nước, lốc xoáy, sạt lở…thiệt hại nặng nề.
11.Giật mình với số người nhảy sông Hương tìm đến cái chết
Năm 2017, báo chí liên tục đưa tin nhiều vụ nhảy sông Hương tự tử. Theo thống kê của Công an TP Huế, chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 12, đã có gần 30 người dân nhảy xuống sông Hương, đoạn qua địa phận TP Huế để tìm đến cái chết. Đồng thời, tình trạng người dân tự tử bằng cách nhảy xuống sông Hương đang có chiều hướng gia tăng theo thời gian.
Lê Kông
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy