Dòng sự kiện:
Nhìn lại 2 lần sếp Eximbank 'rút ruột' tiền của khách gây xôn xao dư luận
30/03/2019 21:00:02
Những thông tin lùm xùm xung quanh vụ thay ‘ghế nóng’ Chủ tịch HĐQT Eximbank vài ngày qua khiến nhiều người nhớ lại 2 vụ mất tiền tỷ gây xôn xao dư luận tại nhà băng này vào năm 2018.

Bất ngờ thay "tướng"

Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam công bố việc bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam A Bank) được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) sau cuộc họp ngày 22/3. Vài ngày sau đó, chia sẻ với báo chí, ông Lê Minh Quốc - người vừa bị bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT cho rằng cuộc họp trên được tiến hành trái quy định.

Theo lời ông Lê Minh Quốc, ngày 11/3, ông đã có đơn xin cứu xét, phản ánh tình hình bất ổn trong HĐQT Eximbank gửi Ngân hàng Nhà nước xin can thiệp "khẩn cấp và triệt để". Ngày 19/3, ông nhận được email từ Văn phòng HĐQT gửi tài liệu kèm thư triệu tập phiên họp HĐQT ngày 22/3 (thư đề ngày 15/3/2019 và do 5 thành viên HĐQT ký).

Cũng trong ngày này, ông đã nhận được văn bản của Chánh Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch HĐQT, HĐQT Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu (liên quan đến nội dung của đơn cứu xét ông Quốc đã gửi từ ngày 11/3) về cơ quan này để được xem xét và giải quyết. Do vậy, ngày 20/3, ông có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào 22/3 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập.

Tuy nhiên, vào ngày này nhóm thành viên HĐQT vẫn tổ chức cuộc họp để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế ông làm Chủ tịch HĐQT Eximbank. "Hành động trên là trái với điều lệ Eximbank, gây bất ổn trong HĐQT ngân hàng", ông cho biết.

Những thông tin lùm xùm xung này khiến nhiều người nhớ lại hai vụ mất tiền tỷ gây xôn xao dư luận tại ngân hàng này vào năm 2018.

Khách VIP mất 249 tỷ gửi Eximbank

Khách VIP mất 245 tỷ đồng ở Eximbank

Vụ việc bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP HCM đã gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài. Theo đó, đại gia thủy sản Chu Thị Bình là khách hàng VIP, gửi tiền tiết kiệm lớn tại Eximbank. Từ năm 2014 đến 2016, sau khi được bà Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, cùng thuộc cấp nhiều lần đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện các khoản tất toán theo kỳ hạn và chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng.

Việc rút tiền tiết kiệm trong các sổ của bà Bình được Hưng thực hiện từ năm 2014 - 2016. Năm 2017, do nghi ngờ nên bà Bình kiểm tra số dư sổ, phát hiện 245 tỷ đồng đã "bốc hơi" nên tố cáo đến cơ quan công an.

Ngày 6/3/2017, Ngân hàng Eximbank gửi đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của Lê Nguyễn Hưng đến cơ quan điều tra, và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP HCM; khởi tố bị can Lê Nguyễn Hưng và phát lệnh truy nã đối với bị can này.

Vào ngày 22 và 23/11/2018 vừa qua, TAND TP HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói trên. Theo bản án sơ thẩm, ngân hàng Eximbank phải có trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi trong ba sổ tiết kiệm cho bà Chu Thị Bình với số tiền 245 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định ông Lê Nguyễn Hưng là người chiếm đoạt toàn bộ số tiền thiệt hại. Do đó, ông Hưng phải có trách nhiệm khắc phục thiệt hại mà ngân hàng gánh chịu. Tuy nhiên, ông Hưng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra, ra quyết định truy nã. Trách nhiệm đền bù thiệt hại trong vụ án sẽ được xử lý khi cơ quan chức năng tìm thấy thủ phạm, điều tra và đưa ra xét xử.

Vụ mất 50 tỷ ở Eximbank Nghệ An 

Trước đó, ngày 19/9/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án hình sự số 15 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngày 29/9/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã phê chuẩn khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Đặng Đình Hồng, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Nguyễn Thị Lam, nguyên cán bộ kiểm ngân về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Sau đó cơ quan điều tra khởi tố các bị can còn lại. 

Nguyễn Thị Lam rút tiền gửi của 6 khách hàng trong hệ thống ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Theo kết luận của cáo trạng, từ năm 2012 đến 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền.

Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng trong hệ thống ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Ngày 16/7/2018, tòa sơ thẩm TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lam mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Toà buộc bị cáo Lam phải bồi thường cho Eximbank số tiền hơn 17 tỷ đồng mà Lam đã chiếm đoạt trước đó. Trong khi đó, Eximbank phải có trách nhiêm trả tiền gửi, tiền lãi cho 6 khách hàng bị Lam chiếm đoạt.

Tòa cũng tuyên bị cáo Đặng Đình Hồng mức án 5 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai vụ việc để mất tiền của khách, lại trực tiếp liên quan đến những cán bộ cấp cao đã khiến hình ảnh, uy tín của Eximbank bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không ít người lúc đó đã đặt câu hỏi về tính an toàn, bảo mật của hệ thống ngân hàng này.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến