NHNN: Chưa tính chuyện huy động vàng
20/05/2016 15:19:01
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam mới đây lại đề xuất Ngân hàng Nhà nước tìm cách huy động vàng trong dân, và cho rằng điều này giúp tránh lãng phí một nguồn vàng lớn. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước khẳng định không tính chuyện huy động vàng trong dân dưới bất kỳ hình thức nào.

Tin liên quan

Cụ thể vị này cho biết việc huy động vàng chứa ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là sự biến động về giá. Theo vị này, việc huy động, dù là do nhà nước hay tổ chức tín dụng thực hiện thì trên thế giới đều chưa có tiền lệ. Nếu huy động vàng rồi hoán đổi ra ngoại tệ thì có rủi ro kép về tỷ giá. Khi huy động rồi gửi ra thị trường quốc tế kỳ hạn rất dài, 9 tháng đến 1 năm, lãi suất rất thấp, trong khi người dân lại gửi ngắn hạn, như vậy sẽ mất cân đối kỳ hạn, đến ngày đến dân rút vàng mà không có vàng thì NHNN phải nhập để trả. Điều này sẽ gây tác động dây chuyền đến tình trạng ngoại hối của NHNN.

Theo vị này, trong mấy năm qua NHNN đã thực hiện đúng như cam kết, đó là huy động nguồn lực vàng thông qua quan hệ mua bán. Cụ thể, pháp luật cho phép người dân mua bán vàng tại các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đủ điều kiện mua bán vàng. Nếu muốn bảo quản an toàn tài sản của mình, người dân có thể sử dụng dịch vụ giữ hộ, có thu phí.

Trong các năm qua thị trường vàng khá im ắng, người dân đã bớt quan tâm đến vàng, giao dịch tại các công ty kinh doanh vàng lẫn ngân hàng đều rất ảm đạm. Cũng chính vì vậy, dù gần đây NHNN không gia tăng thêm biện pháp can thiệp nhưng giá vàng trong nước hiện đã thấp hơn giá thế giới.

Vàng đã không còn được mua bán sôi động như các năm trước. Ảnh: TL.

Ngoài ra, Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng đề xuất lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Sở này sẽ hoạt động như sở giao dịch chứng khoán, đặt tại thành phố HCM và Hà Nội. Nhà đầu tư sẽ mua bán vàng dưới dạng chứng chỉ. Ngân hàng Nhà nước sẽ lập ra một công ty cổ phần, theo dõi, điều hành các hoạt động của sở giao dịch vàng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cao để quản lý hoạt động kinh doanh này một cách chuyên nghiệp, hiện đại. Tài sản giao dịch trên sàn này chính là chứng chỉ huy động vàng do ngân hàng phát hành cho người gửi vàng thông qua hoạt động huy động vàng.

Vị lãnh đạo NHNN cũng cho biết chưa tính đến việc lập sở giao dịch vàng. Vì như đã dự tính, sẽ không huy động vàng qua hệ thống ngân hàng, nên cũng sẽ không phát hành chứng chỉ vàng.

Nhưng con số lượng vàng trong dân thực chất là bao nhiêu thì đến nay không ai có thể trả lời được. Con số 500 tấn vàng mà trong các kiến nghị, đề xuất thường nhắc đến là con số mà thành viên Hội đồng vàng thế giới, ông Huỳnh Trung Khánh nêu ra từ năm 2010. Con số này theo ông Khánh cũng chỉ là ước tính của hội đồng vàng. Nếu thực chất lượng vàng vào thời điểm đó là 500 tấn thì hiện cũng đã thay đổi theo thời gian.

Trong 6 năm qua thị trường vàng đã có nhiều biến động bởi một loạt chính sách của NHNN, đặc biệt là Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, làm giảm bớt sự hấp dẫn của vàng tại Việt Nam, khi hạn chế điểm bán vàng miếng, chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia. Ngoài ra chính sách nhập vàng rồi đấu thầu bán cho các ngân hàng trong 2013, nhằm kết thúc hoạt động huy động, cho vay vàng cũng tác động nhiều đến thị trường vàng.

Việc huy động vàng qua hệ thống ngân hàng đã gây ra nhiều hệ lụy cho các ngân hàng trong những năm 2011-2013. Cho đến nay, ngân hàng Đông Á vẫn đang phải giải quyết khoản lỗ vì chênh lệch giá vàng khi những năm trước phải mua vàng tài khoản nước ngoài để trả cho người dân gửi vàng.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến