NHNN đã “bắt' và “chữa đúng bệnh'
29/09/2014 17:50:32
ANTT.VN - Chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vất Thống đốc NHNN. Những chủ đề rất nóng đã được đưa ra và nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước

Phần chất vấn thống đốc NHNN được đông đảo cử tri quan tâm và chờ đợi

Chiều ngày hôm nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tiến hành trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều hành phiên chất vấn là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Mở đầu phiên chất vấn, Thống đốc đã trình bày về kết quả công tác hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, tham mưu cho Chính phủ để điều hành hệ thống Ngân hàng và dẫn dắt nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng NHNN vẫn nỗ lực điều hành, thực hiện những giải pháp quyết liệt để đạt những mục tiêu đã đề ra; đồng thời, cũng tích cực lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đại biểu Quốc hội, bám sát thực tiễn để kịp thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Cụ thể, dưới sự dẫn dắt của NHNN, 3 quý đầu năm nền kinh tế đã cơ bản đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất được giảm, tình trạng “nợ xấu” được từng bước cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng cao, thực hiện xong bước 1 của đề án tái cấu trục hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, mới đây các tổ chức đánh giá tín nhiệm nổi tiếng quốc tế như Moody’s và S&P đã tiến hành nâng một bậc tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, và 10 ngân hàng trong nước cũng được các tổ chức này nâng xếp hạng đánh giá.

Sau phần báo cáo, Thống đốc bắt đầu tiến hành trả lời chất vấn của của các Đại biểu Quốc hội. Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng đa số các chất vấn đều tập trung vào 3 vấn đề chính, đó là xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và tăng trưởng tín dụng, trong đó vấn đề nợ xấu được đặc biệt quan tâm

Ngay đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của Thống đốc trong sai phạm của ngành ngân hàng. Trả lời câu hỏi trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: “Dù tất cả các sai phạm đó xảy ra ở đâu, khi nào, dù thời đó tôi có làm Thống đốc hay chưa nhưng đến bây giờ tôi làm thống đốc vẫn thuộc trách nhiệm của Thống đốc NHNN và tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm những sai phạm đó”.

Theo Thống đốc Bình, trong thời gian vừa qua, NHNN đã triển khai rất quyết liệt hoạt động thanh tra giám sát và đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp luật, công an trong vấn đề giám sát hoạt động các ngân hàng.

Tuy nhiên, quan điểm của NHNN là không hình sự hóa quan hệ dân sự, mà chỉ là phát hiện sai phạm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng khắc phục. Chỉ đến khi các tổ chức tín dụng không khắc phục được, làm hại đến tài sản nhân dân thì mới xử lý hình sự.

Trả lời câu hỏi của các Đại biểu về công tác tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong tuần này, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo và hướng dẫn tất cả các NHTM phải xây dựng đề án tái cấu trúc của mình để NHNN xem xét và thẩm định.

Xử lý nợ xấu chính là vấn đề nóng nhất trong phiên chất vấn. Rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này và yêu cầu trả lời từ phía người đứng đầu NHNN. Các đại biểu cũng xoáy sâu vào hoạt động cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC.

Theo Thống đốc, vấn đề xử lý nợ xấu được thực hiện qua 4 phương thức: Dự phòng rủi ro của các Ngân hàng, Bên vay cải thiện được khả năng trả nợ, thông qua VAMC và thông qua các cơ chế chính sách. Thống đốc cũng cho biết, hiện nay các TCTD đã tham gia tích cực vào công tác xử lý nợ xấu thông qua công tác trích lập dự phòng rủi ro thay vì như trước đây, nhiều TCTD luôn tìm cách che dấu nợ xấu, để giảm trích lập dự phòng, dành chia cổ tức, chia lợi nhuận.

Cụ thể, đến thời điểm này, các TCTD đã trích lập được 78.000 tỷ đồng từ khoản dự phòng rủi ro để tăng vốn điều lệ.

Về kết quả xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, đã có tổng cộng 249.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, trong đó VAMC đã mua lại số nợ xấu trị giá 86.000 tỷ đồng từ các NHTM. Bên cạnh đó, tổng giá trị thực tế của các tài sản đảm bảo được ước tính cao gấp 2 lần giá trị các khoản nợ xấu.

Về câu hỏi của các đại biểu về tình trạng “nợ xấu” có chiều hướng gia tăng trong 9 tháng đầu năm. Thống đốc giải thích, điều này xuất phát từ 2 lý do: vì TCTD trích lập xử lý nợ xấu vào các tháng cuối năm nên trong năng số lượng nợ xấu sẽ tích tụ và tăng lên, ngoài ra, vào tháng 6/2014 hệ thống ngân hàng bắt đầu đưa vào áp dụng QĐ 02, thông tư 09  về phân loại nợ, cho phù hợp với thông lệ quốc tế, các quy định chặt chẽ này cũng góp phần làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu.

Về tỷ lệ nợ xấu, thống đốc cho biết, tỷ lệ nợ xấu theo công bố của các NH là 4,11%; còn theo giám sát của NHNN thì con số đó là 8%. Thống đốc giải thích mức chênh lệch này là do NHNN chính thức cho phép các TCTD cơ cấu lại các khoản nợ với khách hàng (tổng số 300.000 tỷ), trong đó 157.000 tỷ nếu không được cơ cấu lại đã thành nợ xấu. Nhằm đánh giá chắc hơn nên NHNN cộng thêm các khoản đó vào để tính toán nợ xấu nên dẫn tới có sự chênh lệch về con số thống kê. Thống đốc cũng cho biết mục tiêu của đặt ra của NHNN là đưa tỷ lệ nợ xấu theo cơ cấu về 3% (theo giám sát là 6%).

Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm về hoạt động của Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC và hiệu quả của Công ty trong công tác xử lý nợ xấu. Thống đốc trả lời là tính tới nay thì VAMC cũng mới chính thức tròn 1 tuổi đi vào hoạt động. Theo thống kê, VAMC đã mua vào được 86.000 tỷ nợ xấu.

Giải thích về bản chất của VAMC có khác gì so với các tổ chức tương tự của nước ngoài. Thống đốc thẳng thắn cho biết, VAMC không có nguồn lực tài chính để có thể mua đứt bán đoạn khi vốn điều lệ hiện nay chỉ có 500 tỷ đồng, và kế hoạch của NHNN là sẽ tăng mức vốn của Công ty này lên mức 2000 tỷ, tuy nhiên con số này vẫn rất khiêm tốn so với mục tiêu mua vào 200.000 tỷ nợ xấu.

Về cơ chế hoạt động của VAMC, Thống đốc chỉ rõ khi VAMC mua lại các khoản nợ xấu thì TCTD sẽ phải trích lập dự phòng 100% nhưng TCTD được trích lập trong 5 năm và khi bán nợ xấu, TCTD sẽ nhận đc 1 trái phiếu từ VAMC, nếu có nhu cầu thanh khoản, các TCTD có thể mang trái phiếu đó đi chiết khấu lấy tiền về.

Khi các khoản nợ xấu đc bán cho VAMC, thì tại NH các khoản đó sẽ không còn là “nợ xấu” nữa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân có thể tiếp tục đi vay để phát triển kinh tế. Các khoản nợ xấu sẽ được VAMC cơ cấu lại thời gian và lãi suất.

Trong điều kiện, không được sử dụng nguồn vốn Ngân sách nên VAMC chỉ có thể tạo ra được cơ chế để giải quyết khó khăn. Thống đốc cũng so sánh với quốc thế, khi ở các nước khác thì các NHTW sẽ được sử dụng trung bình 20-30% GDP để xử lý nợ xấu, trong khi tại nước ta thì VAMC sẽ không có được 1% GDP nào. Và cách xử lý của Việt Nam thông qua mô hình VAMC, cũng được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là “cũng chấp nhận được”.

Ngoài khó khăn về mặt tài chính, VAMC gặp phải những trở ngại về cơ chế như pháp lý để có thể tiến hành bán và xử lý các khoản nợ xấu. Trả lời câu hỏi về việc có cần một luật riêng cho VAMC, thống đốc đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên, cũng chia sẻ trong thời gian gấp nên phải đi 2 bước dài hạn và ngắn hạn.

Trước câu hỏi của một đại biểu về lý do tại sao NHNN đưa ra thông tư 02 theo thông lệ quốc tế về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro rồi lại liên tục hoãn thời điểm áp dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đưa ra một lời giải thích khá hình tượng và hết sức thú vị.

Theo vị tư lệnh ngành ngân hàng, trong công tác điều hành và xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, NHNN đã thực hiện “bắt bệnh đúng”, “chữa bệnh đúng” và có liều lượng phù hợp với sức khoẻ từng “con bệnh”.

Về “liều lượng”, Thống đốc Bình cho biết, chỉ cần có 10%GDP NHNN sẽ xử lý ngay đươc vấn đề nợ xấu mà không cần đợi đến năm 2015 theo đề án, tuy nhiên do không được sử dụng NSNN nên NHNN không có đủ “liều lượng” để xử lý nhanh và dứt điểm vấn đề trên.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cho biết việc vân dụng thông lệ quốc tế cần phải căn cứ vào Việt Nam. Thống đốc chia sẻ, việc đưa ra thông tư 02 là để các NHTM biết mục tiêu và chuẩn mực mà hê thống cần phải hướng đến và đạt theo chuẩn quốc tế.

Ninh Giang

 

 
 
 
 
 
 

 

 
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến