Dòng sự kiện:
NHNN đánh giá cao sự hỗ trợ của WB và IMF
07/03/2018 13:04:13
Ban Lãnh đạo NHNN đánh giá cao sự hỗ trợ của WB và IMF trong việc thường xuyên cung cấp các khóa đào tạo, HTKT, tham vấn hỗ trợ tư vấn chính sách, tăng cường năng lực cán bộ NHTW trong nhiều lĩnh vực.

Mới đây, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyến Thị Hồng đã có buổi làm việc với Đoàn Mạng lưới Nghị viện (MLNV) các quốc gia thành viên Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhân chuyến công tác của Đoàn tại Việt Nam theo chương trình “Đại biểu nghị viện công tác thực địa” từ ngày 05-08/03/2018.

Bà Olfa Soukri Cherif, Phó Chủ tịch MLNV cảm ơn Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành thời gian tiếp Đoàn. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch MLNV đã báo cáo Phó Thống đốc những thông tin cơ bản về Chương trình “Đại biểu nghị viện công tác thực địa” và mục đích chuyến công tác lần này của Đoàn tại Việt Nam.

Chương trình “Đại biểu nghị viện công tác thực địa” được tổ chức bắt đầu từ năm 2001 nhằm tạo điều kiện cho các nghị viên được tiếp cận vưới các hoạt động của WB và IMF tại các quốc gia thành viên. Theo đó, các đại biểu sẽ đến công tác tại một quốc gia được chọn trong 3-4 ngày để thảo luận về các ưu tiên phát triển và cải cách kinh tế. Kết thúc chuyến công tác, Đoàn sẽ có một báo cáo tổng hợp để chia sẻ các kết quả quan sát, nhận định, đề xuất đối với các chương trình phát triển của nước sở tại sau khi đối thoại với các bên liên quan. Cho đến nay, chương trình đã được thực hiện tại hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam (năm 2005).

Bà Olfa Soukri Cherif cho biết: “Trong thời gian công tác lần này tại Việt Nam, Đoàn sẽ có thời gian làm việc với Lãnh đạo Quốc hội, các Bộ ngành liên quan của Chính phủ, văn phòng WB và IMF tại Việt Nam; Thăm thực địa dự án của WB và gặp gỡ các doanh nghiệp tư nhân”.

Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chào mừng bà Olfa Soukri Cherif và Đoàn Mạng lưới Nghị viện các quốc gia thành viên WB và IMF tới công tác và làm việc tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ những kết quả đạt được của Ngành Ngân hàng trong thời gian gần đây như góp phần trực tiếp kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao 6,81%, tạo dư địa lớn cho chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam.

NHNN coi ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu, tạo nền tảng cho quá trình tăng trưởng bền vững, lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, sẽ phải chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều các cú sốc từ bên ngoài thông qua tỷ giá, dòng vốn đầu tư, dòng thương mại... Đặc biệt, NHNN thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để kịp thời điều chỉnh tỷ giá, tránh biến động quá mức, gây ảnh hưởng tâm lý thị trường, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang dần linh hoạt tỷ giá.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh thành công trong điều hành của NHNN là nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác thông qua sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để điều hành chính sách tiền tệ hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá rất tích cực đối với kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, như: Ngân hàng Thế giới đã nâng chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam lên 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN; Moody’s đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; Bloomberg đánh giá VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất Châu Á...

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng chia sẻ một số những khó khăn, thách thức kinh tế - tài chính Việt Nam phải đối mặt. Kinh tế Việt Nam đứng trước rủi ro bị có thể tác động từ bất ổn tiềm ẩn trên toàn cầu, bao gồm xu thế đảo ngược hội nhập toàn cầu, tự do hóa thương mại, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, lạm phát đang quay trở lại, tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế và rủi ro tiềm ẩn từ khả năng các nhà đầu tư rút vốn khỏi khu vực. Ngoài ra, không gian tài khóa giảm trong bối cảnh nợ công ngày càng lớn, thu ngân sách không đạt kế hoạch do tăng trưởng giảm tốc và giá dầu giảm mạnh, nguồn lực nhà nước bị hạn chế khiến chính sách tiền tệ trở thành chính sách chủ đạo trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng.

Về nhiệm vụ trong năm 2018, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế, vĩ mô, tiền tệ, năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Tại buổi làm việc, đại diện cấp cao của các quốc gia thành viên MLNV đã đánh giá cao những thành tựu kinh tế và tài chính mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi dành cho Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhằm tìm hiểu và trao đổi về chức năng và nhiệm vụ chính của NHNN trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và quản lý hệ thống ngân hàng; một số kết quả nổi bật trong các lĩnh vực trên trong thời gian gần đây và bài học có thể chia sẻ cho các nước; khó khăn, thách thức và định hướng, giải pháp trong thời gian tới; đánh giá kết quả hợp tác với WB và IMF trong thời gian qua, một số định hướng lớn trong thời gian tới, qua đó giúp MLNV tìm hiểu về chiến lược phát triển của Việt Nam; tăng cường hiểu biết giữa các đại biểu của MLNV về hoạt động của WB và IMF tại Việt Nam; và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nghị viện/đại biểu quốc hội trong và ngoài nước về các kế hoạch, giải pháp phát triển của mỗi nước.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ Việt Nam đánh giá cao WB đã xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi tốt nghiệp phù hợp sau khi Việt Nam vừa chính thức tốt nghiệp IDA vào tháng 7/2017, hoãn trả nợ nhanh giúp quá trình tốt nghiệp của Việt Nam diễn ra suôn sẻ và duy trì bền vững các thành tựu kinh tế-xã hội đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, WB đã rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tìm kiếm các nguồn lực bổ sung, các cơ chế, sản phẩm tài chính, nguồn vốn mới, đặc biệt là nguồn vốn tư nhân, không cần bảo lãnh Chính phủ.

Đặc biệt, đối với quá trình phát triển khu vực ngân hàng, Ban Lãnh đạo NHNN đánh giá cao sự hỗ trợ của WB và IMF trong việc thường xuyên cung cấp các khóa đào tạo, HTKT, tham vấn hỗ trợ tư vấn chính sách, tăng cường năng lực cán bộ NHTW trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt chính sách tiền tệ, dự báo thống kê, thanh tra, giám sát ngân hàng...

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong muốn MLNV sẽ chia sẻ với NHNN về kinh nghiệm của các nước thành viên và các nước khác trên thế giới có điều kiện tương đồng với Việt Nam nhằm hỗ trợ tiếp tục ổn định kinh tế, phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh, hiệu quả. MLNV có tiếng nói ủng hộ Việt Nam trên cộng đồng quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam vừa tốt nghiệp nguồn vốn ưu đãi IDA, giúp Việt Nam: Được hoãn trả nợ nhanh toàn bộ trong kỳ IDA 18 nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, tạo thuận lợi cho quá trình tốt nghiệp của Việt Nam; tạo điều kiện để Việt Nam có thể tiếp cận và huy động được các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là các nguồn vốn dành cho khu vực tư nhân/không cần bảo lãnh chính phủ để thực hiện cải cách nền kinh tế, đặc biệt là cải cách khu vực ngân hàng, duy trì bền vững ổn định kinh tế vĩ mô và những thành quả phát triển kinh tế. Hỗ trợ Việt Nam cử thành viên gia nhập Mạng lưới để tăng cường hiểu biết, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến